11.18.2012

Quẳng gánh nợ đi mà vui sống

Trên chuyến bay về lại Việt Nam, một giáo sư kinh tế ngồi cạnh đã làm tôi cười ngất khi anh bàn thảo suy tư là tài chánh hoàn cầu sẽ thay đổi ra sao “nếu” Hy Lạp phá sản không trả nổi nợ. Anh này sống trong tháp ngà hơi lâu. Nếu anh chịu khó ghé thăm hay đọc qua lich sử cận đại của Hy Lạp, anh sẽ biết rằng người dân Hy Lạp không bao giờ trả thuế dù bị đòi. Thói quen này cũng được các ngài chánh trị gia nghiêm túc như Tổng Thống, Thủ Tướng, Nghị Sĩ…triệt để áp dụng. Thuế còn không trả thì làm sao dân Hy Lạp sẽ “lo” trả nợ công?
Những ồn ào từ các mạng truyền thông chỉ là áp lực từ các ngân hàng lớn để các lãnh đạo của EU (Liên Hiệp Âu Châu) phải đứng ra cứu bồ và lấy tiền dân Đức, dân Pháp trả nợ dùm Hy Lạp. Tôi chắc chắn với anh bạn là Hy Lạp sẽ không bao giờ trả nợ. Nếu Thủ Tướng Đức Merkel và Tổng Thống Pháp Sarkozy không còn vốn chánh trị để đổ tiền dân vào các thúng lũng PIGS (Portugal, Ireland, Greece and Spain), thì EU coi như sắp giải thể. Tôi còn nói anh nhớ đọc bài “Kẻ cắp gặp bà già” tôi viết cách đây mấy tháng.
Thực ra, nếu các nhà trí thức biết chút đỉnh về lịch sử kinh tế thì chuyện Hy Lạp là một chuyện hết sức bình thường. Vì tham và ngu, các vị quản lý ngân hàng thường đem tiền cho vay bừa bải đến những quốc gia và dân tộc mà họ biết là vô trách nhiệm và hư đốn. Mục tiêu là kiếm phí cho vay và lãi suất để có bonus cuối năm và nghề nghiệp được thăng tiến. Các quốc gia có chánh phủ quản lý tốt thường ít khi vay mượn và do đó, không phải là khách hàng tốt.
Năm 2001, Argentina vay nợ ngập đầu như Hy Lạp và tuyên bố sẽ không trả nợ dollar bằng dollar nữa mà sẽ trả bằng peso. Vì họ tha hồ in tiền peso, nên tất cả nợ của Argentina từ chánh phủ đến người dân bị (hay được) giảm giá hơn 80%. Nhà nước thì đã in sẵn mấy đêm hôm trước tiền peso, còn các doanh nghiệp tư nhân thì hồ hởi trả nợ bằng đồng peso rẻ mạt. Các ngân hàng Âu Mỹ méo mặt, nhiều quan giám đốc phải từ chức, nhưng chẳng ai chết trong vụ quỵt nợ lớn lao này. Vài năm sau, các giám đốc ngân hàng mới lại cần bonus và lãi suất, nên họ cố quên chuyện cũ và lại cho Argentina vay thoải mái.
Bài học này được Mexico và Brazil học hỏi, dọa đem áp dụng để tránh trả nợ. Các viên chức của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) sợ ảnh hưởng toàn cầu, nên phải lạy lục mãi, Mexico và Brazil mới nhận tiền IMF và bỏ ý định bắt chước Argentina.
Xa hơn nữa trong lich sử, ta thấy Hitler tuyên bố không trả nợ cho các chủ nợ Âu Mỹ vào năm 1933 và các lãnh đạo Âu Mỹ chỉ biết cười trừ. Số nợ tương đương với 100 ngàn tấn vàng và dĩ nhiên, Đức phải mất cả 300 năm mới thanh toán nổi, nên Hitler chỉ cần nói NEIN. Trước đó, năm 1918, khi đế quốc Áo-Hung (Austrian-Hungary) sụp đổ, bản tệ Austro-Marks bị xóa sổ và các nước liên minh lại quay về với tiền cũ của mình như drachma cho Hy Lạp, marks cho Đức và peseta cho Tây Ban Nha. Gần đây, Mahathir của Mã Lai không cho dollar xuất khẩu khi đối diện với nợ dư do cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997 đem lại.
Cho nên khi các nhà kinh tế Việt lo lắng là nợ chánh phủ đã lên đến 52% GDP và nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì có lẽ nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng 100% GDP. Cộng vào nợ tư nhân bằng dollar hay Euro hay Yen thì Việt Nam có thể qua mặt Mỹ và gần ngang hàng với Hy Lạp về nợ nần.
Nhưng tôi nhìn sự cố này với một góc cạnh khác biệt. Trong khi Mỹ không thể xù nợ vì sĩ diện của đế chế và EU không muốn giải thể vì nợ Hy Lạp, thì chúng ta chẳng có gì để mất. Một cá nhân bị phá sản phải chịu nhiều áp lực như mất nhà, mất xe..(cũng dễ bị mất vợ con và nhân tình nữa). Nhưng một quốc gia phá sản thì lại được tiếng tăm là dũng cảm, dám thách thức Âu Mỹ và nền kinh tế toàn cầu hóa. Tôi cũng tò mò muốn xem các chuyên gia IMF lăng xăng qua Việt Nam van lậy, “ông đừng chơi trò này, ông cần bao nhiêu tôi cho mượn thêm”.
Cho nên, tôi khuyên các quan chức là cứ vay mượn thỏai mái, nhất là tiền nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc đang tìm chỗ đậu. Khi nợ công lên đến 200% GDP, ta sẽ ra một quyết nghị số 35 là sẽ trả mọi món nợ bằng tiền VN đồng, kể cả nợ tư (tất cả đại gia Việt sẽ tri ơn chánh phủ). Tôi đảm bảo cuộc sống của dân Việt sẽ không bị chút anh hưởng gì, ngoài việc các cậu ấm cô chiêu sẽ không còn xài được hàng hiệu, các đại gia không còn được nhậu Hennessy hay Moet và các quan chức cũng hết cơ hội kiếm chác với các dự án khủng. Thế giới sẽ không cho Việt Nam vay nợ trong vài ba năm để trừng phạt, nhưng đây là liều thuốc tốt vì nó tập cho chánh phủ và người dân lối tiêu xài trong khả năng thu nhập của mình.
Mặt trời vẫn mọc, không ai chết, cha mẹ có thì giờ dậy dỗ con cháu và thế giới chúng ta sẽ an bình hơn một chút.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Viasa

11.15.2012

Biết rồi… khổ lắm… nói mãi!

Trong đời sống thường nhật, có không ít người thích đem cái quá khứ vàng son (chứa rất nhiều hoang tưởng) để che đậy những yếu kém và thất bại hiện tại. Cái tôi của họ quá lớn để chịu đựng bất cứ một lời phê bình hay chê bai nào, dù vô tình hay nhỏ nhặt.
Biết rồi… khổ lắm… nói mãi!Dân gian có câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” để chọc quê những nhân vật thích nói…. và nói, dù rằng câu chuyện của họ chỉ là một sự lặp đi lặp lại những gì mọi người đã chán chê. Trong cuộc sống gia đình, các bà vợ lắm mồm và các bậc cha mẹ độc tài quyết đoán là những tác nhân thường xuyên cho hiện tượng này.
Bệnh sĩ diện “hão”
Không riêng ở Việt Nam, đây là một vấn nạn phổ thông cho các ông chồng khắp thế giới. Một người Mỹ than phiền với bạn, cả 50 năm nay, anh ta không nói một lời nào với vợ. Anh bạn hỏi lý do và anh ta đáp, “Tôi không dám ngắt lời bà ta”. Nhưng người già thì đỡ hơn, họ phải đeo máy trợ thính và chỉ cần lén tắt máy là lỗ tai được sống yên ổn.
Tôi có một ông chú họ ở California, già và nghiêm khắc, mỗi sáng thứ bảy đều bắt con cháu ngồi xếp hàng nghe ông giảng “đạo”. Ông thường nói về những quá khứ huy hoàng của mình lúc xưa, về luân lý và văn hóa của tổ tiên dòng giống và về cách hành xử của một bậc quân tử. Nhưng con cháu đều thừa biết về mọi thói hư tật xấu của ông… dối vợ chơi bời, gạt gẫm bạn bè, lấy tiền welfare (trợ cấp của chính phủ) và tiền con cháu cho đi đánh bạc, nợ nần tứ xứ và thích “nổ” về mọi chuyện lớn nhỏ. Lý do con cháu còn chịu khó ngồi nghe vì ông đã gần đất xa trời và lòng tôn kính các bậc trưởng thượng vẫn tiềm tàng rất mạnh ở các cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tật thích nói và nói, không muốn ai tranh luận hay phản biện này, theo lớp Tâm lý học sơ đẳng dạy ở các đại học, thường thể hiện ở những người thiếu kiến thức, nhiều mặc cảm tự ti, nghèo hèn về ý tưởng mới và có nhu cầu cao về sĩ diện “hão”. Họ không muốn ai bàn ra tán vào vì sợ để lộ cái “dốt” của mình. Họ muốn mọi người phải im lặng vì bất cứ giải pháp hay sáng kiến gì họ đưa ra đều thiếu chuyên môn và chiều sâu, không đủ biện luận để chống đỡ một phân tích hay nghiên cứu bài bản. Họ thích đem cái quá khứ vàng son (chứa rất nhiều hoang tưởng) để che đậy những yếu kém và thất bại hiện tại. Cái “tôi” của họ quá lớn để chịu đựng bất cứ một lời phê bình hay chê bai nào, dù vô tình hay nhỏ nhặt.
Sự quyết đoán trong tư duy của các nhân vật này thường được đóng khung trong những nguyên tắc “bất khả xâm phạm”, được thiết lập từ thời xa xưa, khi con người vẫn còn loay hoay với chén cơm manh áo. Họ rất sợ sệt khi phải đối diện với những tiến bộ của kỹ thuật và nhân sinh quan, sợ thế giới của Internet và nền kinh tế mới.
Họ quá già cỗi để thích nghi vào xã hội mới của “ngôi làng toàn cầu” (global village) nhưng họ lại không muốn để con cháu tự đi tìm định mệnh cho riêng chúng. Họ cho mình cái quyền áp đặt một con đường duy nhất chúng phải đi.
Những con người như vậy đã hiện diện suốt trong lịch sử loài người. Giới lãnh đạo khoa học và tôn giáo đã dùng uy quyền của họ để cầm tù và giết chết Galileo khi ông này đưa ra giả thuyết là trái đất tròn. Xưa hơn nữa, các triết gia Hy Lạp đã bắt Socrates uống thuốc tự vẫn vì những triết thuyết ông đề xướng nghe trái tai với niềm tin lỗi thời của họ. Việc đầu tiên các bạo chúa, từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Kim Il Sung, thích làm khi lên nắm quyền là đốt sách để tránh những phản biện tri thức. Chỉ tội cho các nhà lãnh đạo ngày nay, kho tàng hiểu biết của nhân loại nằm trong “đám mây” (cloud computing), không biết làm sao đốt được.
Không ai có thể độc quyền kiến thức
Cách đây 10 năm, tôi có dạy vài khóa học cho lớp EMBA ở Đại học Tong Ji và Fudan ở Thượng Hải. Tôi nói với sinh viên là không ai có thể độc quyền về kiến thức; và phương thức dạy của tôi là đào sâu nắm kỹ một vấn đề, rồi đem vào lớp để tranh luận phản biện, càng nhiều quan điểm khác nhau càng phong phú. Nó tăng cường sự hiểu biết của sinh viên về các đề tài này. Chỉ tiếc rằng, sinh viên Trung Quốc đã có tập quán thụ động, vì đã quen với lối giáo dục một chiều, giảng viên hay sách vở nói sao thì lập lại như một con vẹt, không có một chút sáng tạo hay cố gắng gì của riêng mình. Tôi bỏ dạy vì không tìm ra một động lực gì hào hứng trong môi trường buồn tẻ đó.
Quay qua chuyện quản trị doanh nghiệp hay chính phủ cũng vậy. Tôi đã từng dự nhiều buổi họp nhân viên mà vị Giám đốc nói và nói, giờ này qua giờ nọ. Nhân viên thì sốt ruột nhìn đồng hồ liên tục. Hay các quan chức chính phủ, bắt cả ngàn học sinh đứng dưới nắng gay gắt của buổi trưa, nghe ngài phát biểu vài ba giờ về những đề tài mà các em nhỏ này hoàn toàn không có ý niệm. Những nhà quản lý có tư duy này thường dùng thế lực chính trị để tạo cho doanh nghiệp mình những độc quyền và đặc quyền, vì họ biết rằng họ không đủ sức cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng. Vừa làm vận động viên vừa làm trọng tài thì chiếc cúp vô địch phải về tay mình.
Trong môi trường tư duy đó, ta thường thấy cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp hay chính quyền rất hoành tráng, quy mô và nhiều bệnh hình thức. Các luật lệ thì phức tạp, mâu thuẫn, khó hiểu để không ai phải chịu trách nhiệm và cũng không ai có thể kiểm soát được.
Năm 2001, tôi được mời qua New Delhi dự hội thảo về cải tổ cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần kinh doanh (entrepreneurship). Đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng một giáo sư người Úc bị bệnh vào giờ chót đề nghị tôi thay thế.
Trong đề tài thảo luận, những phương thức cải tiến bộ máy hành chính của chính phủ được đặt ra. Trước mắt ngài thứ trưởng Kế hoạch của Ấn Độ, tôi nói một giải pháp rất đơn giản và không tốn kém là sa thải 50% toàn bộ công chức và tăng lương gấp đôi cho những nhân viên còn lại. Tôi đảm bảo bộ máy sẽ không bị thiệt hại một chút gì và sự đơn giản hóa những thủ tục rườm rà của hệ thống hành chính sẽ giúp kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi cũng tin là hệ số tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ tăng ít nhất là 30% so với hiện tại. Ông ta không trả lời vì nghĩ tôi chỉ nói đùa để kích hoạt không khí buồn tẻ của cuộc họp.
Xã hội sẽ ra sao khi người dân cố tình “tắt máy trợ thính”
Tuần rồi tôi đến New York gặp vài đối tác làm ăn và được mời đi ăn vào buổi tối khi kết quả các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ đang được truyền hình truy cập từng phút một. Tiệm ăn sang trọng nổi tiếng với khách hàng phần lớn là các đại gia Wall Street. Họ chăm chú theo dõi, bàn tán ồn ào như coi một trận bóng đá chung kết. Khi một ứng cử viên của đảng Dân chủ (phe Obama) thua, một vài tràng pháo tay vang dậy.
Trong khi đó, khi được khảo sát về lý do đã khiến họ giận dữ và “ném các tên khốn kiếp khỏi chính trường” (throw the bastards out), 38% các cử tri Mỹ lại cho rằng sự suy thoái kinh tế hiện nay là do lỗi tham lam của chính các đại gia và ngân hàng ở Wall Street và chính quyền Obama đã che chở cho những tên “tội phạm” này. Nói chung, mọi người đều nhìn thực tại theo góc cạnh cá nhân chủ quan của mình hay của phe nhóm mình.
Cả hai phía đều là những công dân già dặn, khôn ngoan, không ngây thơ để hiểu rằng, kết quả cuộc bầu cử này có lẽ không làm thay đổi nền kinh tế chính trị nước Mỹ hay chính đời sống cá nhân của họ bao nhiêu. Họ chỉ có một tham vọng độc nhất là đem vấn đề ra công khai tranh luận và quyết định; và họ sẽ thỏa mãn với phiếu bầu của mình, dù trúng hay sai trong tương lai. Đây là sức mạnh tiềm ẩn lớn nhất của xứ Mỹ và những xã hội mở rộng: họ tin rằng càng nhiều góc cạnh của vấn đề được nghiên cứu, suy xét, càng nhiều cơ hội đến gần với giải pháp.
Tôi còn nhớ một thí nghiệm bạn tôi đã làm ở đại học 45 năm về trước: một con chó bị nhốt lại trong chuồng và bịt miệng không cho sủa trong 7 ngày. Dù vẫn được cho ăn uống đầy đủ, sau khi thả ra, con chó bị những triệu chứng biến thái về tâm lý: trở nên hung dữ, thích cắn và sủa, bị táo bón, sức đề kháng yếu hẳn và không còn trung thành với chủ như trước.
Xã hội nào cũng đầy những bức xức giận dữ của các người dân khi nhìn những trái tai gai mắt hàng ngày. Ở các xã hội được cơ hội bày tỏ sự bức xức này bằng là phiếu hay tự do ngôn luận, người dân thường thoải mái và hành xử văn minh hơn trong các giao tiếp. Có lẽ vì nhu cầu phải “sủa” là một đòi hỏi của thiên nhiên cho tất cả mọi sinh vật, không chỉ riêng cho loài chó? Một xã hội mà phần lớn các người dân tắt máy trợ thính để khỏi phải “nghe”, là biểu tượng của một sự tuyệt vọng tột cùng.
Alan Phan

11.07.2012

Bài học đầu tiên để trở thành người giàu có

Hôm nay, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách nói về những bài học để trở thành người giàu có, cuốn sách “The richest man in Babylon” của tác giả George S. Clason. Tôi xin được chia xẻ với các Saganors, bài học đầu tiên, theo tôi, cũng là hay nhất và bao trùm toàn bộ cuốn sách. Câu chuyện kể về người giàu nhất thành Babylon cổ đại, một người xuất thân từ tầng lớp nghèo khó, nhưng có quyết tâm và ước vọng làm giàu. Người đó là Arkad, một người làm nghề sao chép văn bản. Anh đã có cơ hội được gặp Algamish, một người giàu có, đến phòng sao chép với yêu cầu sao chép nhiều tài liệu trong một thời gian ngắn. Nắm bắt được cơ hội, Arkad đã ra giá “Hãy nói cho tôi biết, làm sao tôi có thể trở nên giàu có, và tôi sẽ thức suốt đêm nay để hoàn thành nó cho ngài”. Arkad đã thức suốt đêm để làm việc đó. Vào lúc bình minh, cuộc trao đổi đã diễn ra, Algamish nhận bản sao chép và truyền cho Arkad những bài học để trở nên giàu có. “Hãy ghi nhớ kỹ những lời của ta" Algamish nói "Nếu không con sẽ không nắm bắt được sự thật mà ta sẽ nói với con, và con sẽ cho rằng công sức của con suốt đêm qua là uổng phí”. Nói đến đây, ông ta dừng lại, nhìn tôi chăm chú rồi nói tiếp bằng một giọng trầm và đầy sức mạnh "Ta đã tìm ra con đường đi đến sự giàu có khi ta quyết định rằng, một phần của tất cả những gì ta kiếm được là của riêng ta để giữ lại. Vậy con cũng sẽ phải làm như thế.”
Ông ta tiếp tục nhìn tôi bằng đôi mắt như để nhấn mạnh với tôi nhưng không nói gì thêm.
Tôi thắc mắc: “Đó là tất cả?”

"Thế đủ để thay đổi trái tim của một người chăn cừu vay mượn trở thành trái tim của một người có tiền của cho vay”. Ông ta trả lời.

"Nhưng tất cả những gì con kiếm được là của con để giữ lại mà, không phải sao?" tôi hỏi.
"Không hoàn toàn như vậy”, ông trả lời “Con không trả tiền cho quần áo sao? Tiền giày dép, thức ăn, con không phải trả sao? Con có thể sống ở thành Babylon này mà không chi dụng gì sao? Con có thể cho ta xem những gì con kiếm đuợc trong tháng vừa qua không? Và những gì của những năm qua? Dại quá! Con trả cho mọi người nhưng không hề trả cho con. Con ơi, con lao động vì những người khác. Như một nô lệ, con đã làm việc cho những gì mà con nhận được từ ông chủ của con, cho những gì con ăn, con mặc. Nếu con giữ lại một phần mười những gì con kiếm đuợc cho riêng con, con sẽ có được bao nhiêu sau mười năm?"

Những hiểu biết của tôi về những con số không giúp tôi có thể tính toán ngay ra, tôi trả lời không chắc chắn “Có thể nhiều hơn số con kiếm được trong một năm.”. "Con chỉ mới nói được một nửa sự thật”, ông ta gắt “Mỗi một đồng vàng mà con dành dụm đuợc sẽ làm nô lệ làm việc cho con. Mỗi một đồng copper mà đồng vàng đó dành đuợc cũng lại làm nô lệ của con. Nếu con sẽ trở nên giàu có, và rồi những gì con dành dụm được lại làm việc cho con, và rồi những gì mà sự dành dụm đó kiếm được lại kiếm thêm cho con nữa, chẳng bao lâu chúng sẽ đem lại cho con sự giàu có mà con hằng ao ước". “Con nghĩ là ta muốn lừa con vì việc làm đêm qua của con sao”, ông ta tiếp tục, “thực ra ta đang trả cho con hơn gấp ngàn lần công sức của con nếu con có đủ thông minh để nắm bắt được sự thật ta đã trao cho con.”. “Một phần của tất cả những gì con kiếm được là của riêng con để giữ lại. Và nó không ít hơn một phần mười của những gì con kiếm được, bất kể là bao nhiêu. Nó có thể là nhiều hơn nếu con chịu đựng được. Hãy trả cho chính bản thân con trước, không trả thêm cho quần áo, giày dép, sau khi con đã lo xong việc ăn uống, việc bác ái và bổn phận của con với các thần linh”. “Sự giàu có cũng như một cây xanh, lớn lên từ hạt mầm bé nhỏ, đồng copper đầu tiên mà con dành dụm được sẽ là hạt mầm đó, và cái cây của sự giàu có của con sẽ hình thành và lớn lên từ đó, con càng gieo hạt mầm của con sớm chừng nào, thì cái cây đó sẽ phát triển sớm chừng đó. Con càng thành tâm vun trồng, chăm sóc nó với việc dành dụm kiên trì của con bao nhiêu, con càng sớm vui hưởng sự hài lòng với bóng mát của nó bấy nhiêu.”.
HangingGardensBabylon.jpgTôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì ông ta nói, và những điều đó có vẻ hoàn toàn hợp lý. Vì vậy tôi quyết định phải làm thử. Và mỗi khi nhận được tiền, tôi lại lấy ra một phần mười và giấu kỹ, và lạ thay tôi cũng không hề cảm thấy thiếu thốn gì hơn trước đó. Tôi nhận ra một chút khác biệt khi tôi phải thu vén để tiếp tục mà không có số tiền đó. Khi số tiền dành dụm của tôi đã khá nhiều, tôi thường bị lôi cuốn vào những việc mua sắm những thứ tôi đang thèm muốn, những lúc ấy tôi thấy mình bị dao động nhưng tôi đã khôn ngoan cưỡng lại.

Một năm sau, Algamish quay trở lại và nói với tôi: "Con trai, con có dành phần để trả lại cho con không ít hơn 1/10 những gì mà con kiếm được chứ?”.
Tôi trả lời đầy tự hào ”Vâng thưa thầy, con có dành lại”.
"Tốt lắm” mắt ông ta sáng lên và nhìn tôi. "Con đã làm gì với số tiền con dành dụm được?"
"Con trao chúng cho Azmur, người làm gạch. Anh ta nói với con rằng anh ta sẽ du hành đến Tyre và mua các loại ngọc quý. Khi anh ta trở về, chúng con sẽ đem bán với giá cao và chia đôi số lời".
"Bài học cho những người dại dột”, ông ta càu nhàu .”Làm sao có thể tin tưởng về sự hiểu biết ngọc quý của một tay thợ làm gạch? Con có tìm đến người thợ làm bánh để hỏi những vì sao không? Không nên, con nên tìm đến những nhà thiên văn, nếu con biết suy nghĩ. Những gì của con đã mất chàng trai ạ, con đã nhổ đi cái cây của sự giàu có của con quá sớm. Nhưng hãy trồng một cái cây khác. Hãy làm lại. Và lần tới, nếu con cần tìm hiểu về đá quý, hãy đến với những người buôn ngọc, nếu con muốn tìm hiểu về bầy cừu, hãy tìm đến những người chăn cừu. Lời khuyên là một thứ được cho đi miễn phí, nhưng hãy xem xét và chỉ nhận lấy những gì giá trị. Ai nhận lấy những lời khuyên từ người không có kinh nghiệm cho những gì dành dụm được thì sẽ phải trả giá bằng chính những gì dành dụm đó." Nói xong ông bỏ đi. Và đúng như những gì ông ta đã nói, Azmur đã mua phải những viên ngọc giả. Nhưng như những gì Algamish đã dạy, tôi lại tiếp tục dành dụm 1/10 những gì tôi kiếm được, việc đó lúc này đã trở thành một thói quen nên tôi không cảm thấy khó khăn nữa. Một năm sau , Algamish quay trở lại và hỏi tôi: “Con đã làm được những gì kể từ lần cuối ta gặp con?"
"Con đã trả công cho chính bản thân con một cách công bằng thưa thầy, con đã tin tưởng và giao số tiền dành dụm của con cho Agger, người làm giáp trụ, để mua đồng. Và cứ mỗi 4 tháng, Agger lại trả lại cho con số tiền lời”. “Nghe hay đấy, và con đã làm gì với số tiền kiếm được đó”.
"Con đã có những bữa ăn tuyệt vời, những bộ quần áo đẹp, con sẽ mua tiếp một con lừa tốt để đi lại".
Algamish cười vì những gì tôi nói. “Con đã ăn mất những đứa con của những gì con dành dụm được. Vậy làm sao con bắt chúng, những đứa con của những đồng tiền dành dụm đó, làm việc cho con, và những đứa con của chúng nữa, lại tiếp tục phục vụ cho con? Trước hết hãy tạo dựng cho con một đội quân nô lệ bằng vàng, rồi con có thể vui thú với những bữa tiệc thịnh soạn mà không phải hối tiếc”. Nói xong ông ta lại ra đi.

Và rồi tôi gặp lại ông ta, sau một năm nữa. Lúc này ông đã già, mặt đầy vết nhăn, mắt ông đã sệ xuống. Ông lại hỏi tôi "Arkad, con đã đạt được giấc mơ giàu có của con chưa?".

"Thưa thầy chưa hoàn toàn ạ” tôi trả lời “Chưa đạt được tất cả những gì con mong muốn nhưng cũng đuợc một vài. Những gì con dành dụm đã kiếm thêm cho con nhiều hơn và những thứ kiếm thêm đó lại kiếm cho con nhiều hơn nữa".
"Con vẫn tìm lời khuyên của những người làm gạch chứ?". “Những người làm gạch cho con lời khuyên tốt về làm gạch" Tôi quật lại.
"Arkad, con đã nắm bài học của con rất tốt. Con đã học được cách sống ít hơn với những gì mình kiếm được. Con cũng học được cách tìm lời khuyên từ những ai có kinh nghiệm và hiểu biết, và con cũng học được cách bắt tiền bạc phải phục vụ cho con. Con đã học được cách để kiếm ra tiền, giữ chúng và sử dụng chúng. Con rất xứng đáng với những vị trí đầy trách nhiệm và trở thành người giàu có”. Và Arkad đã trở thành một người giàu có nhất Babylon, còn các bạn, nếu thấy đây là một câu chuyện hay, hãy bắt đầu bài học ngay từ bây giờ.

11.03.2012

Kinh nghiệm và bài học thứ nhất... đi làm thuê…

Tay lạnh cóng, không lò sưởi, tôi vuốt lại mấy cái áo bày ở trên giá, đấy là mùa đông không về VN đầu tiên tôi xin đi làm thuê cho một cửa hàng bán quần áo rất to ngoài chợ. Tất nhiên, ngoài tôi ra còn có rất nhiều người làm như tôi ở đây. Cửa hàng to nên làm việc rất vất vả nhưng bù lại tầm quan sát của tôi sẽ tốt hơn nhiều. Ngoài tôi ra thì hầu hết mọi người đều về nhà chủ cửa hàng ngủ và sinh hoạt ở đó. Cũng cố gắng chăm chỉ như mọi người nhưng đôi lúc cái làn da mỏng tang như giấy quen được ủ ấm trong chăn êm, đệm ấm vẫn mang xu hướng lười biếng một chút.
Tôi bắt đầu từ 13 giờ muộn hơn những người khác 5 - 6  tiếng và kết thúc lúc 6 giờ sớm hơn những người khác 2 – 3 tiếng. Thật chẳng thành công lắm cho 1 cô bé đi làm thuê lười biếng như tôi, nhưng bù lại là sự nhanh nhẹn, sự tự tin nhanh nhậy với  khuôn mặt ưa nhìn nên cũng dễ dàng trong việc mua đi bán lại. Và cũng chính vì vậy nên bà chủ mới nhận làm nửa ngày như thế, và giao những công việc cao hơn như nhận hàng, phân chia hàng do tôi đảm nhận là phần nhiều.
winter.jpgTôi không dám tỷ mỉ kể lại những khó khăn mình trải qua, vì như thế thật xấu hổ với những người cùng làm ở đó còn khó khăn hơn tôi. Họ còn bị chửi nặng nề rất nhiều. Nhưng chỉ biết rằng chân tay thì luôn hoạt động không ngừng nghỉ, và đừng nghĩ tới việc ngồi trong suốt cả ngày làm việc, trong khi đó cái lạnh đã làm tôi nhớ đến bây giờ,… Ban ngày cũng âm độ, và ban đêm thì thật kinh khủng. Tay chân cũng nhiều vết chai hơn, ngoài cái vết chai ở ngón giữa cầm bút thì còn nhiều chỗ khác nữa rồi, làn da thì cũng dày lên phần nào….nhưng kinh nghiệm để mở to mắt nhìn cuộc sống không qua lăng kính màu hồng thì đi theo suốt cuộc đời này để có chuyện còn kể nữa chứ.
Lần này cũng không là lần thành công cho chính bản thân tôi khi một sự cố xảy ra, đó là một số tiền nhỏ bị mất và thật xui xẻo khi tôi lại là người nhận và phân chia hàng. Chỗ bị mất tiền tôi qua lại nhiều nhất. Mọi nghi ngờ đổ dồn lên tôi….mọi người phân tích cũng thật chí lý:
"Đi làm thuê thì tiền đâu ra mà cái phong cách khoác trên người khác hẳn những người làm thuê. Mặc thì đồ hiệu, đồng hồ, đồ trang sức, điện thoại mọi thứ đều original"…v…v…
Lúc đó mặt tôi nóng ran như tan chảy hết những ụ tuyết cao như núi ngoài kia để muốn xé vụn cái số tiền công tủi nhục kia khi bà chủ ném trước mặt tôi với câu mỉa mai:
 “Nếu lấy thì mày cứ bỏ ra, chứ số tiền đấy cũng chẳng là gì với tao “.
Với một vết roi in trên da con ngựa hoang bất trị như tôi thì niềm kiêu hãnh bây giờ là trên hết.... Tôi đứng dậy, phủi mông bước ra ngoài khi kịp quay lại nói một câu cũng đầy hàm ý:
“Một nửa coi như bù vào số tiền cô bị mất, còn nửa kia là lãi để trả cho sự ăn cắp, ăn trộm mà cô nói. Số tiền đấy đối với cháu cũng chẳng là gì…”
Chân bước nhanh ra khỏi cửa trong sự ngỡ ngàng và kinh ngạc của mọi người. Ngoài trời tuyết rơi từng hạt to, nước mắt tôi như đóng băng trên khóe mắt, nhưng chắc cũng tại không kìm được nên cứ thế chảy như trôi đi mọi tiếng gọi của mọi người đằng sau mình….8:08 PM trên đồng hồ mờ mờ... tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ.....nhớ.....
Nhưng lần đó tôi đã sai rồi, vì với hành động như vậy thì cái mác tiểu thư trong sự sung sướng chưa thực sự bị xóa trên khuôn mặt của mình đã mang nó bao năm…  Người mất thì có quyền nghi ngờ... còn tôi không lấy thì phải giải thích và bình tĩnh trong trường hợp đó để phân tích mọi vấn đề… nhưng không! Tôi đã sai…