Note mỏng cuối ngày về PR cộng đồng: Tâm lý con người có một đặc tính được gọi là empathy tức là sự thấu cảm. Đó là khả năng bẩm sinh của con người cảm nhận điều xảy ra với đồng loại. Chính vì thế, khi một tai nạn giao thông hoặc 1 điều khủng khiếp xảy ra, người ta thường có phản xạ liên hệ tới mình và tưởng tượng, nếu điều đó xảy ra với mình thì sao và có cảm giác e sợ. (Cảm giác buồn nôn khi thấy người chết hoặc bị tra tấn, hoặc gai người khi nhìn thấy điều mạo hiểm,…). Đây chính là điều làm cho người ta sẽ tự ý thức nhiều hơn về sự an toàn của mình. Tuy nhiên, tùy vào mỗi người mỗi hoàn cảnh mà ý thức ấy ở lại 1 vài ngày hoặc lâu hơn.
Xu hướng của truyền thông hiện đại là thay vì chiếm lĩnh tâm trí công chúng đã chuyển sang chiếm lĩnh cảm tình và chuyển cảm tình thành ý thức. Câu chuyện thật, việc thật, người thật được kể ra với một sự chân thành sẽ có tác động mạnh mẽ tới công chúng. Người xem có thể dễ dàng liên tưởng tới hoàn cảnh, tình huống và câu chuyện của chính mình. Chính vì vậy chúng ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều những hình ảnh tuyên truyền sử dụng những câu chuyện về người thật, việc thật, những câu chuyện bị thảm đằng sau các tai nạn giao thông. Người chết thì đã chết rồi, người tàn tật thì đã tàn tật thế nhưng những gì xảy ra sau đó lại càng khủng khiếp.
Các nhà tuyên truyền chuyên nghiệp sẽ tìm cách nhân rộng hiệu ứng tuyên truyền từ những câu chuyện thật việc thật như trên phạm vi rộng hơn. Ở đây, nhu cầu nâng cao hiệu quả truyền thông gặp văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc. Câu chuyện của một trăm gia đình sẽ được nâng lên mức hình tượng để đúng với hàng trăm nghìn gia đình, tác động đến hàng triệu người. Chẳng hạn như trong quá trình làm dự án tăng cường nhận thức về an toàn giao thông trên các quốc lộ phía bắc, chúng tôi thấy cách làm của tỉnh Quảng Ninh là một sáng tạo hiệu quả. Ban ATGT tỉnh đã làm việc với các nhà biên kịch và diễn viên chuyên nghiệp để sáng tạo ra một vở diễn về ATGT. Câu chuyện cảm động đến nỗi các buổi biểu diễn ở trường học và khu dân cư mà tôi có may mắn tham gia đều tràn ngập tiếng cười và cả nước mắt. Hiệu quả tuyên truyền lúc đó không chỉ là từ 1 cá nhân cụ thể mà mang tính đại diện và biểu tượng rất cao. Thái Bình thì đưa chèo tầu vào tuyên truyền an toàn giao thông, Bắc Ninh đưa quan họ vào. Điều này thực sự phù hợp với đối tượng truyền thông mục tiêu. Hiệu quả tuyên truyền là thực sự khác biệt.
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, người ta phải nhớ rất nhiều nên khả năng quên cũng rất cao. Để công tác tuyên truyền hiệu quả cần phải có những thông điệp ấn tượng và cách thể hiện sáng tạo. Thông điệp cần ngắn gọn, ấn tượng, hoặc hài hước hoặc rất bi thảm.
Chẳng hạn trong dự án tăng cường nhận thức về An toàn giao thông trên các quốc lộ phía bắc, Le Bros đã sáng tạo ra hai nhân vật Giao và Thông, thông qua các tình huống thực tế, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông một cách hài hước.
Trong một ví dụ khác, họa sỹ trẻ Nguyễn Thành Phong gây được ảnh hưởng lớn trong xã hội với chùm tranh về an toàn giao thông với cách nói và cách thể hiện rất trẻ như : phóng nhanh xanh cỏ, chồng lái lụa vợ góa bụa. Rồi chùm tranh của anh về vận động không bấm còi để giảm ô nhiễm âm thanh… thực sự là cách làm sáng tạo và hiệu quả. Trên dọc quốc lộ 5, tôi đã thấy những khẩu hiệu về an toàn giao thông trên các công trình giao thông công cộng, đơn cử, mỗi điểm dừng xe buýt mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đi qua, chi phí ban đầu lại rất nhỏ. Đây là một sáng kiến hay và nên nhân rộng trên cả nước. Bởi đây là kênh truyền thông có thể gọi là mới ở Việt Nam với độ phủ rộng sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Cuối cùng, ý thức chỉ có thể có được từ sự tập luyện và học hỏi từ gia đình, người thân. Mỗi vị phụ huynh, giáo viên, người lớn trong gia đình phải là tấm gương cho con trẻ để sau này các em có ý thức hơn mỗi khi tham gia giao thông. Đây mới là tương lai và thử thách thực sự của công tác tuyên truyền giao thông tại Việt Nam.
Nguyễn Đình Thành