5.30.2016

XU HƯỚNG DIGITAL MARKETING 2016 TẠI VIỆT NAM (PHẦN 2)

Trong Phần I, chúng tôi đã đề cập tới 3 xu hướng nổi trội đầu tiên đó là: 1- Quảng cáo video và video content sẽ phát triển mạnh. 2- Mobile trở thành xu hướng chính. 3- Social Influencer Marketing là cách hiệu quả nhất. Cùng tìm hiểu các xu hướng tiếp theo để có thêm những định hướng cho hoạt động Digital Marketing trong năm tới.
4. Đầu tư vào Content chất lượng
Hiện nay, các mạng xã hội (Social Platform) giúp bạn “trò chuyện” thoả sức với khách hàng, tất nhiên là bạn phải đóng vai người nói chuyện, chứ không phải trong vai nhà quảng cáo, còn nội dung là cái quyết định liệu bạn có lôi kéo được bạn bè/khách hàng hay không. Việc thương hiệu của bạn được yêu quý đến đâu, độ phủ như thế nào, lòng trung thành của khách hàng của bạn nông sâu ra sao, phần lớn phụ thuộc vào chất lượng nội dung của bạn. Bạn không chỉ đơn giản cung cấp thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm của mình đến khách hàng, mà bạn cần có một chiến lược đầu tư sâu vào nội dung để xây dựng hình ảnh thương hiệu, thiện cảm của công chúng, khiến bạn được coi như là người dẫn đầu, là chuyên gia trong lĩnh vực. Để làm được điều đó, cần phải có những nội dung hướng tới/dành cho khách hàng, những nội dung thực sự có ích cho họ.
Thời của những Facebook Page với các nội dung nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt, những nội dung “ăn, uống, ngủ, nghỉ” chỉ thuần tuý giải trí đã qua, thật ra đã qua từ rất lâu, nhưng dường như ít doanh nghiệp thực sự để ý hoặc thực sự nhận ra. Chừng nào bạn còn nghĩ rằng Facebook User thích bạn chỉ vì những thông tin như “chào buổi sáng”, những câu châm ngôn …, thì còn rất xa thương hiệu của bạn mới được nhận biết, và thương hiệu của bạn thật sự “có ích” cho người dùng. Hãy tự đặt câu hỏi: Thương hiệu/sản phẩm của bạn có mặt trên đời là để làm gì? Nếu bạn không truyền đạt được điều đó đến người dùng, một cách khéo léo, tinh tế, gây được thiện cảm thì bạn chưa hề đặt chân lên con thuyền Content Marketing. “Làm nội dung tốt không phải là biết cách bịa chuyện hay, mà là kể được một câu chuyện có thật một cách hấp dẫn”. Đó chính là đầu tư vào content có chất lượng. Có thể là Facebook Page, Youtube Channel, Blog, Microsite, Website hay một campaign chạy đa kênh…, dù là gì thì cũng là lúc bạn phải “làm” một cách nghiêm túc, chứ không chỉ “nghĩ” một cách nghiêm túc.
Hãy tổng kết xu hướng này bằng 1 số con số thống kế ấn tượng tôi mới tìm thấy từ một chuyên gia trên LinkedIn:
• 80% việc ra quyết định trong kinh doanh đến từ việc tìm hiểu hàng loạt bài viết chứ không phải qua quảng cáo.
• 71% người tiêu dùng cho biết họ có ấn tượng tốt với những công ty đầu tư vào video content.
• 58% người tiêu dùng cho rằng những công ty đầu tư vào video content đáng tin cậy hơn.
• Content Marketing ít tốn chi phí hơn so với Outbound Marketing truyền thống tới 62% (tính trên đầu khách hàng tiềm năng).
5. Quảng cáo trả tiền vẫn chiếm ngân sách lớn với sự đa dạng của Display Ads và hỗ trợ đắc lực của Programmatic
Với sự xuất hiện của Programmatic Ads – nền tảng công nghệ mới của quảng cáo trực tuyến, và phát triển phong phú của Display Ads cho thấy quảng cáo trả tiền vẫn sẽ chiếm một phần lớn ngân sách marketing trong năm tới. Tuy nhiên, việc mua quảng cáo ngày càng được “hệ thống hóa” và “tự động hóa” hơn trước đây. Đặc biệt Programmatic Ads cho phép người mua quảng cáo tiếp cận với người dùng theo những cách trước đây không thể làm được. Trước khi tìm hiểu về hình thức mới – Programmatic Ads, cần phải nhấn mạnh rằng Display Ads vẫn và sẽ phát triển mạnh chứ không “chết yểu” như nhiều người lầm tưởng. Nếu đánh đồng Display Ads với Banner Ads thì có thể nhận định đó là đúng. Nhưng Display Ads với rất nhiều biến thể, mà gần đây là xu hướng Sponsored Content xuất hiện trên feed của người dùng (phổ biến ở Facebook và Instagram), đang chứng tỏ nó hết sức hiệu quả. Nếu như Banner Ads chật vật với CTR thì Sponsored Content lại dễ dàng trong việc tạo ra traffic và nâng cao tỷ lệ này. Xu hướng Video Ads phát triển mạnh cộng với Sponsored Content sẽ là cú nhảy vọt cho Display Ads trong năm tới.
70% tổng doanh thu từ hoạt động quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về Google và Facebook (Theo Báo cáo toàn cảnh Digital Marketing Việt Nam 2015 – Moore Corporation)

Và, Programmatic sẽ giúp tối ưu hoá hiệu quả của Display Ads. Nếu như Automation Marketing là tự động hoá việc làm marketing thì Programmatic là tự động hoá việc đấu giá và lựa chọn không gian hiển thị quảng cáo. Đây là một thay đổi lớn trong ngành quảng cáo online trên thế giới và trong năm vừa qua thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể nhờ việc sử dụng hình thức này.
Programmatic là cách bạn sử dụng phần mềm để tối ưu hoá việc mua quảng cáo, đó có thể là đấu giá, có thể là chọn chỗ, khai thác các tài nguyên quảng cáo…
Nếu bạn từng biết đến Real-time Bidding (đấu giá quảng cáo tức thời), thì đây là một trong những nền tảng quan trọng nhất của Programmatic. Programmatic là cách bạn sử dụng phần mềm để tối ưu hoá việc mua quảng cáo, đó có thể là đấu giá, có thể là chọn chỗ, khai thác các tài nguyên quảng cáo… mà không phải trực tiếp liên hệ tới các Publisher, các AdNetwork hay các AdExchange. Một nền tảng đang được sử dụng rộng rãi của Programmatic tại Việt Nam là thông qua các Demand Site Platform (DSP). DSP cho phép bạn (doanh nghiệp/nhà quảng cáo hoặc agency) mua quảng cáo như… ngồi 1 chỗ gọi điện đến các siêu thị để mua nguyên vật liệu chuẩn bị cho một bữa tiệc lớn. Bạn vào đó để tìm kiếm không gian quảng cáo, đấu giá, tối ưu hoá quảng cáo mà không phải liên hệ trực tiếp với bất kỳ bên nào. Tất cả chỉ cần qua 1 hệ thống duy nhất.
Nguồn: Chiến Lược Marketing (Theo Time Universal)