Bài này là một chương khá Basic, nếu bạn đã biết đến việc cài đặt website trên nền tảng WordPress và đã cài đặt thành công rồi thì bạn có thể bỏ qua. Toàn bộ nội dung chỉ dành cho người chưa biết gì và muốn tìm hiểu về việc xây dựng website trên mã nguồn mở WordPress.
Hoặc nếu bạn làm theo các bước ở P1, chọn Auto-Install Application ở A2hosting là WordPress thì bạn cũng có thể bỏ qua chương này. Nhà cung cấp đã cài sẵn WordPress trên hosting của bạn rồi.
1. Source WordPress
Khi nhắc đến WordPress mọi người còn hay bị nhầm lẫn giữa hệ thống WordPress miễn phí (WordPress.com) và mã nguồn mở WordPress (WordPress.org).
Nếu bạn dùng WordPress.com, tức 1 blog được cung cấp miễn phí, bạn sẽ không phải lo về domain và hosting, không phải lo về kỹ thuật, việc của bạn chỉ là đăng ký và sử dụng. Tuy nhiên nó sẽ có những hạn chế. Free mà.
WordPress.com là dịch vụ blog miễn phí, khi đăng ký tải khoản bạn sẽ có 1 sub-domain dạng yoursite.wordpress.com; WordPress.com rất dễ sử dụng, thường được dùng để viết blog, có sẵn nhiều giao diện miễn phí để bạn chọn, có một cộng đồng viết blog rất đông đảo. Tuy nhiên có một hạn chế, bạn không thể cài được Plugin, sẽ không chỉnh sửa được code và Settings sẽ hạn chế.
Còn mã nguồn mở WordPress (hay được gọi là WordPress Self-Hosted) thì sao?
Đầu tiên bạn biết mã nguồn mở là gì đã nhé:
Đúng như tên gọi của nó các ứng dụng viết bằng mã nguồn mở mở toàn bộ mã của mình. Bạn có thể biết được mã nguồn của chương trình, qua đó hiểu được nguyên lý hoạt động của nó, qua đó bạn có thể phát triển thêm các tính năng cho nó, cá nhân hóa nó, bổ sung thêm những thiếu sót cho nó, nói chung là bạn sẽ đóng góp một phần vào công cuộc phát triển phần mềm này. Đó chính là mục đích của phần mềm mã mở, chia sẻ cho cộng đồng và để cộng đồng cùng phát triển.
Vậy WordPress Self-Hosted đơn giản là:
WordPress là một dạng phần mềm mã nguồn mở được Christine Selleck đề xuất (Mình chẳng biết ông này là ai). Mọi người biết đến WordPress đơn giản là để viết Blog, để đăng tải thông tin của mình lên mạng nhưng không đơn giản như vậy, WordPress còn có chức năng như mọi Website khác. Nó có thể làm site tin tức, đánh giá, bán hàng… thậm chí là… mạng xã hội.
OK, giờ thì chúng ta hãy vào WordPress.org để tải phiên bản mới nhất của mã nguồn mở WordPress về nhé.
Hoặc download tại link này: http://wordpress.org/latest.zip
2. FTP
FTP viết tắt từ File Transfer Protocol, một giao thức truyền tải tập tin từ một máy tính đến máy tính khác thông qua một mạng TCP hoặc qua mạng Internet. Thông qua giao thức FTP, người dùng có thể tải dữ liệu như hình ảnh, văn bản, các tập tin media (nhạc, video)… từ máy tính của mình lên máy chủ đang đặt ở một nơi khác hoặc tải các tập tin có trên máy chủ về máy tính cá nhân.
*Giao thức FTP được sử dụng nhiều nhất vào mục đích truyền tải dữ liệu. Việc bộ phận IT của công ty tạo tài khoản FTP cho bạn là để có thể gửi những dữ liệu dung lượng lớn một cách nhanh chóng, vì không thể gửi qua email hay các phương thức sao chép vật lý khác như CD hay USB flash. Khi sử dụng FTP được cấp, bạn có thể gửi các tập tin có dung lượng vài trăm MB một cách dễ dàng, không cần phải lo lắng về việc người nhận không nhận được file.
*Hơn nữa, bạn có thể cùng lúc tải (upload/ download) nhiều tập tin cùng một lúc để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, yếu tố tốc độ đường truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải dữ liệu qua FTP.
*FTP cũng là giao thức dùng để truyền tải dữ liệu web lên máy chủ web.
*Về phía người dùng khi tiếp cận FTP sẽ làm quen với các thông số sau:
*- Địa chỉ máy chủ FTP: có dạng tên miền hoặc địa chỉ IP. Ví dụ: ftp.trungduc.net (dạng tên miền) hoặc 192.168.1.1 (dạng IP tương ứng với tên miền). Địa chỉ máy chủ FTP theo dạng tên miền được dùng phổ biến hơn vì dễ nhớ hơn so với những con số và dấu chấm của địa chỉ IP.*- Tên tài khoản (username)/ mật khẩu (password) để đăng nhập vào máy chủ FTP. Tùy thuộc vào quản trị viên cấp quyền hạn trên máy chủ FTP mà tài khoản FTP của bạn sẽ có những quyền cơ bản như tải (upload/ download), tạo thư mục, sao chép hay xóa dữ liệu.*Lưu ý bảo mật thông tin tài khoản vì dữ liệu trên máy chủ có thể bị kẻ gian xâm nhập, đánh cắp và xóa đi.
Cách truyền tải dữ liệu qua giao thức FTP và sử dụng FTP client
*Có thể tận dụng ngay trình duyệt web Internet Explorer hay Windows Explorer hoặc thông qua tập lệnh (FTP commands) để kết nối đến máy chủ FTP, nhưng sẽ rất khó khăn để thao tác cho những người dùng phổ thông không am hiểu nhiều về kỹ thuật. Do đó, các chương trình sử dụng FTP chuyên dụng hay còn gọi là FTP client sẽ là giải pháp tốt nhất để truyền tải dữ liệu.
Các chương trình FTP client sẽ thực hiện công việc kết nối đến máy chủ FTP sau khi bạn nhập đầy đủ thông tin (máy chủ FPT, tài khoản đăng nhập), hỗ trợ thao tác kéo/ thả, tạo thư mục (folder) tương tự như thao tác trên Windows Explorer.
*Có khá nhiều chương trình FTP Client từ miễn phí đến thương mại, một số chương trình phổ biến nhưWinSCP và FileZilla cho máy tính dùng hệ điều hành Windows hay CyberDuck cho máy Mac. CuteFTP Pro của hãng GlobalSCAPE là một chương trình FTP Client rất chuyên nghiệp nhưng là phiên bản thương mại có phí. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn chọn lựa một chương trình thích hợp.
Trong phần hướng dẫn này, bạn có thể làm quen với WinSCP phiên bản portable (không cần cài đặt để sử dụng). Tải WinSCP portable tại đây. Giải nén và chạy tập tin WinSCP.exe.
Hãy đăng nhập theo thông tin mà A2hosting (hay bất kỳ 1 nhà cung cấp hosting nào) họ đã gửi cho bạn (theo mail). Một số nhà cung cấp (như A2hosting) để đảm bảo yếu tố bảo mật, họ sẽ yêu cầu bạn thay đổi mật khẩu FTP (Cpanel Hosting) thông qua trang quản trị khách hàng của họ.
Host: Host FTP trên host của bạn. Đối với x10hosting thì phần này là địa chỉ của web bạn.User: username đăng nhập vào host.Password: Mật khẩu đăng nhập vào hostFile Protocol: chọn FTP
Đối với trang A2hosting, bạn chỉ việc vào: https://my.a2hosting.com/clientarea.php?action=productdetails và chọn tab Change Password.
Sau khi đăng nhập thành công vào máy chủ FTP, bạn sẽ thấy giao diện WinSCP được chia làm 2 phần: bên trái hiển thị dữ liệu có trên ổ cứng của bạn, có thể chuyển đổi qua lại giữa các ổ đĩa để tìm đúng file cần sử dụng; bên phải là dữ liệu trên máy chủ FTP.
public_html là nơi để bạn upload dữ liệu và hiển thị những dữ liệu đó trên website của bạn. Toàn bộ mã nguồn website của bạn sẽ được chứa trong thử mục này. Một số hosting có thể chứa nhiều domain, tùy vào cấu hình của nhà cung cấp mà public_html có thể được đặt trong thư mục tên domain hoặc ngoài thư mục tên domain.
*Để truyền tải file (download hay upload) từ máy tính lên máy chủ FTP hoặc ngược lại, bạn chỉ cần click chọn tập tin (file) hay thư mục (folder) rồi kéo thả sang khung bên cạnh, chờ cho việc truyền tải hoàn tất, bạn sẽ thấy ở khung bên cạnh xuất hiện tập tin vừa tải.
*Các chương trình FTP Client còn lại như FileZilla, CuteFTP Pro hay SmartFTP cũng đều có giao diện tương đối giống nhau. Tuy nhiên, mỗi chương trình sẽ có mức độ hỗ trợ tùy chỉnh tính năng khác nhau, ví dụ như cùng lúc tải nhiều tập tin, cùng lúc kết nối đến nhiều máy chủ FTP hay chọn lựa chế độ kết nối bảo mật (SSH, SFTP…), mã hóa. Bạn chỉ cần nắm rõ những thao tác cơ bản trên là có thể truyền tải dữ liệu qua giao thức FTP bằng FTP Client.
Upload mã nguồn mở Wordpres lên Hosting
Hãy giải nén file mã nguồn WP vừa download về, và kéo thả tất cả vào trong thư mụcpublic_html.
3. Install WordPress
Để cài đặt được WordPress, hosting của bạn ít nhất phải hỗ trợ PHP 5.2 và SQL database. Tiếp theo là tiến hành tạo cơ sỡ dữ liệu trong host. Truy cập vào cPanel của hosting.
Tiếp theo là tìm tab Database, click vào MySQL Databse để tạo database và user mới.
Nhập tên database cần tạo vào và ấn nút Create new database
Tiếp theo là tạo user cho database. Kéo xuống dưới sẽ thấy phần MySQL User. Nhập tên user cần tạo và nhập mật khẩu vào, sau đó nhấn Create user.
Cuối cùng là tích hợp database và user vào để nó có thể kết nối với nhau. Ngay tại phần Add User to Database ở cuối trang web, các bạn chọn user và database vừa khởi tạo và ấn Add
Ok, thế là chúng ta hoàn thành phần khởi tạo các cơ sở dữ liệu.
Khi hoàn tất, các bạn tiến hành truy cập vào tên miền trên hosts để cài đặt, chạy thẳng luôn file index.php và chọn Create a Configuration File.
Ấn tiếp vào nút Let’s Go và điền thông tin cơ sở dữ liệu mà mình đã tạo trước đó. Sau đó ấn Submit
Nếu các thông tin cơ sở dữ liệu bạn điền đúng thì sẽ hiện ra thông báo như sau, và ấn nút Run Install để bắt đầu cài đặt.
*Có thể sẽ có nhiều host không hỗ trợ việc tự động tạo file config.php, lúc đó trình cài đặt sẽ hiển thị cho bạn nội dung file wp-config.php, và bạn chỉ việc tạo 1 file wp-config.php với những nội dung như thế và upload lên hosting của mình.
Và nhập các thông tin cần thiết cũng như tạo tài khoản admin cho blog, ấn Install WordPress để hoàn thành.
Và đây là thông báo khi hoàn tất việc cài đặt, bây giờ bạn có thể bắt đầu trải nghiệm và sử dụng WordPress rồi.
Như vậy là chúng ta hoàn thành bước cài đặt WordPress, ở mục 4 chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu một số phương thức tùy chỉnh cơ bản và cách cài themes, plugin vào WordPress.
4. Config WordPress
Sau khi đã cài đặt xong, các bạn có thể tiến hành sử dụng luôn mà chẳng cần phải làm thêm gì cả, nhưng như thế có vẻ đơn điệu quá không? Nào, hãy thử tinh chỉnh cho nó phù hợp với bạn hơn đi. Bây giờ bạn hãy truy cập vào khu vực quản trị với đường dẫn http://yourdomain.com/wp-admin/ đi.
4.1 Tùy chỉnh Title & Tagline (mô tả ngắn) cho blog
Blog bạn chỉ mới có tiêu đề (title) chứ chưa có dòng giới thiệu, mô tả cho nó. Và bây giờ chúng ta tiến hành viết thêm mô tả vào. Bạn vào Setting – General và sửa mô tả tại phần Tagline. Nhân tiện bạn chỉnh luôn múi giờ, kiểu sắp xếp ngày tháng.
4.2 Tùy chỉnh đường dẫn (Permalinks)
Các đường dẫn bài viết, category, page mặc định của WordPress là dạng số. Điều này không mấy khả thi lắm với việc tối ưu hóa tìm kiếm cho website cũng như tính chuyên nghiệp. Bạn có thể điều chỉnh thành dạng http://yourdomain.com/category/post.html. Truy cập vào mục Setting -> Permalinks, chọn Post name.
4.3 cách cài đặt theme cho WordPress
a. Tìm kiếm theme và cài đặt ngay trang quản trị
Nếu các bạn không hài lòng với giao diện mặc định thì có thể tìm kiếm và cài đặt một giao diện khác ngay tại trang quản trị. Bạn vào Appearance -> Themes, click vào Add new và tìm theme theo tên, màu, kiểu chia cột, chủ đề..v.v…Hoặc có thể tìm những theme được nhiều người sử dụng tại mục Featured ngay trên ô tìm kiếm.
Sau khi tìm theme, bạn chọn Preview để xem trước và chọn Install để tiến hành cài đặt.
Sau khi ấn Install Now, các bạn nhấn Active để kích hoạt và bắt đầu sử dụng.
b. Cài đặt theme bằng cách upload lên host
Nếu bạn không thể tìm được một theme ưng ý trong thư viện có sẵn của WordPress thì có thể vào các trang cung cấp theme khác để lựa chọn, có rất nhiều website cung cấp những theme WordPress vừa đẹp lại miễn phí, bạn có thể tìm kiếm trên Google.
Sau khi tìm được một theme ưng ý thì bạn tiến hành upload thư mục theme vào wp-content/themes. Sau đó bạn vào Appearance -> Themes và ấn Active vào theme vừa upload.
4.4 Cài đặt plugin cho WordPress
Muốn blog bạn trở nên chuyên nghiệp và cá nhân hóa hơn thì bạn phải cài đặt thêm một số plugin, tốt nhất là bạn chỉ cài thêm khoản 5 – 10 plugin thôi vì cài nhiều sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tải của trang cũng như càng sử dụng plugin thì khả năng bảo mật càng kém đi.
Các plugin cần thiết cho Personal Website
Danh sách plugin cần thiết và hướng dẫn cấu hình – WordPress SEO & Social.
a. Cài đặt plugin WordPress thông qua trang quản trị
Cũng giống như cài đặt themes, các bạn có thể cài đặt plugin thông qua trang quản trị bằng cách vào Plugins – Add New và tiến hành tìm kiếm.
Sau khi tìm được một plugins ưng ý thì ấn Install Now.
Sau đó Active Plugin để kích hoạt và sử dụng.
b. Cài đặt plugin bằng cách upload lên host
Cũng tương tự như cài themes, các bạn upload thư mục plugin lên wp-content/plugins, sau đó là vào Plugins -> Installed Plugins và chọn Active.
c. Cài theme và plugin bằng cách upload file .rar, .zip lên trang quản trị
Nếu các bạn lười giải nén ra và upload lên host bằng phương thức FTP thì có thể upload nguyên gói plugin đã được nén lại theo định dạng .zip, .rar thẳng lên trang quản trị bằng cách vào phần Upload trong trang cài đặt theme – plugin và upload nó lên.
4.5 Widget WordPress
Widget là những phần mở rộng (tiện ích) của website. Để truy cập phần thiết đặt widget các bạn đăng nhập tài khoản quản trị wordpress của mình và vào phần Appearance > Widgets.
Quản trị widget
Sau khi vào phần quản trị widgets bạn sẽ thấy trang quản trị phân làm 2 phần, 1 phần gồm nhiều ô xếp theo hàng và cột ở phía tay trái, phần 2 là một dãy cột ở phần tay phải.
Phần 1 chính là phần cung cấp cho người quản trị danh mục các widgets chức năng có thể thêm vào các vị trí trên website của mình. Trong đó có một số widgets tiêu biểu như:
- Archives: Xem các bài viết của website theo tháng.
- Calendar: Các bài post theo lịch.
- Categories: Danh mục bài viết.
- Meta: Đăng nhập, đăng xuất cho user hoặc admin, trường bài viết mới hoặc links wordpress.
- Tag cloud: Mây thẻ (các bài có nội dung liên quan được đóng dấu theo các thẻ này).
- Text: Widgets này cung cấp một ô để bạn có thể nhập các dữ liệu văn bản hoặc các code html, nó có tác dụng khá nhiều nên mình sẽ nói thêm ở mục tới.
- Một số widgets sẽ có tùy theo theme bạn chọn có cung cấp widgets đó hay không. Như ở đây mình chọn theme FoodPress, theme này cung cấp một số Wedgets về mạng xã hội như Facebook Like box, Flickr …
Phần 2: là phần cung cấp cho người quản trị website các vị trí có thể đặt widgets. Tùy theo theme mà các vị trí này có thể khác nhau. Trong ví dụ của bài viết này mình sử dụng theme FoodPress, nó cung cấp các vị trí ở trang chính phía tay phải, và 4 vị chí ở chân trang (footer) . Khi cho một Widgets vào các vị trí này thì chúng đều hiển thị động loạt ở tất cả các bài viết và các danh mục.
Cách cài đặt widgets và thiết đặt một số widgets
WordPress được thiết kế và phát triển một giao diện quản trị đồ họa khá hợp lý và thân thiện người dùng, việc tùy biến khá dễ dàng. Và ngay cả việc cài đặt widgets cũng thế. Bạn chỉ việc chọn widgets và đưa chúng vào vị trí của theme cung cấp mà bạn muốn.
Một widgets quan trọng phải sử dụng khá nhiều khi thêm chức năng cho website đó là widgets Text. Widgets này cung cấp một vùng trên website để các bạn tùy biến nhập các nội dung bằng html vào đó, có thể là nhúng một video, một biểu mẫu ….v…v…
4.6 Menu Navagation
Truy cập Appearance -> Menus, và tạo Menu Name:
+ Menu được lấy từ các pages: Menu dạng này ít sử dụng vì menu này chỉ lấy được một bài viết của pages đó.
+ Menu được lấy từ các Categories: Menu dạng này được đa số các trang web wordpress sử dụng vì Categories có thể có nhiều bài viết khác nhau.
+ Menu links Custom: Menu dạng này là các links tùy biến bạn chọn.
Nhưng trước tiên tạo tùy biến Menu Navagation thì bạn phải tạo Categories trước. Sau khi đăng nhập thành công vào phần quản trị website các bạn rê chuột vào Posts -> Categories sẽ hiển thị ra chỗ cho các bạn điền tên Categories như hình sau:
Sau khi tạo ra những Categories bạn muốn thì bạn rê chuột vào chỗ Appearance ->Menu để tạo Menu Navagation cho website giống hình dưới:
Các bạn tích vào những Categories mà bạn muốn chọn làm Menu và sau đó bấm Add to Menu. Ở phần Menu Setting, với tùy chọn Theme locations chọn Top primary menu.
Sau khi bạn bấm nút Save Menu xong bạn mở trang chủ của bạn ra để xem kết quả bạn vừa tạo Menu Top có hình như sau:
Lời kết
Đôi khi những kiến thức cơ bản nhất cũng có thể giúp bạn rất nhiều trong công cuộc làm chủ công nghệ. Nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình, bạn không thể bỏ qua việc phát triển một website cho riêng mình, và càng khó để rời mắt khỏi WordPress.
Tất nhiên những chia sẻ của mình không bao giờ là đủ được, bạn hãy học hỏi, tìm hiểu và ứng dụng một cách thông minh nhé. Nhớ rằng các bài viết của mình được đầu tư rất tốt về mặt nội dung, và nó rất dài. Nên trước khi đọc bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần hoặc bookmark lại chờ lúc tỉnh táo, kẻo bị tẩu hỏa nhập ma nhé.