Nhiều khi đi những nơi xa mà cả phòng có đúng một cái dây cable mạng bất tiện vô cùng. Với cách thiết lập chiếc laptop thành trạm phát wifi, các bạn có thể vào mạng một cách đơn giản và thuận tiện hơn.
Bước 1 : Các bạn vào Control Panel\ Network and Internet\ Network and Sharing Center sau đó vào Change adapter settings sau đó nhấp chuôt phải vào Local Area Connection chọn Properties như hình bên dưới
Chuyển sang tab Sharing tích chọn như trong hình rồi Bấm Ok
Bước 2 : Search cmd sau đó chuột phải vào cmd chạy bằng Run as administrator
Khung cmd hiện ra thì các bạn gõ:
netsh wlan set hostednetwork mode=allow ssid=TENBAN key=MATKHAU
rồi enter gõ tiếp
netsh wlan start hostednetwork
enter,gõ tiếp
netsh wlan stop hostednetwork
enter
Hiện ra như hình bên dưới là ok
Sau đó tắt cmd đi
Bước 3 : Bước cuối cùng ra màn hình desktop tạo 2 cái shortcut như sau
Cái thứ nhất viết câu lệnh như sau
netsh wlan start hostednetwork
Đặt tên là Bat Wifi
cái thứ 2 tương tự bằng
netsh wlan stop hostednetwork
đặt tên là Tat Wifi
Vậy là xong bây giờ bạn chỉ bấm SHORTCUT Bat Wifi bằng cách chuột phải Run as administrator là đã có wifi. muốn tắt thì bạn chạy shortcut Tat Wifi là tắt wifi.
8.31.2015
8.24.2015
Báo Anh: Du lịch Việt Nam tự hại mình vì nóng vội
Ngành du lịch Việt Nam đang phải đấu tranh dữ dội để hài hòa yếu tố hiện đại hóa và đầu tư phát triển với bảo tồn trong bối cảnh resort, cáp treo và casino đang đe dọa phá hủy kỳ quan thiên nhiên ban tặng, tờ The Guardian nhận định.
Fred Trịnh nhắm mắt tưởng tượng lại khung cảnh thiên đường ở Phú Quốc đã thu hút anh vào năm 2011 – hai hàng dừa uốn lượn quanh con đường đất đỏ dẫn ra bãi biển hoang sơ. Nhưng khi mở mắt, vị doanh nhân 39 tuổi người Canada gốc Việt phải đối diện với thực tế treo ngay trước mắt.
“Lần đầu tiên đến đây, tôi bị choáng ngợp bởi thiên nhiên nguyên sơ, bãi biển thật tự nhiên và đẹp tuyệt vời như chưa từng có dấu chân người”, Trịnh mô tả vẻ đẹp của Phú Quốc, hòn đảo nằm trong vịnh Thái Lan. “Còn bây giờ, máy xúc hoạt động khắp nơi, chia cắt bãi biển xinh đẹp này thành từng mảnh nhỏ để xây nên những dấu ấn để khách du lịchdễ nhận biết – những thứ tương tự chuỗi khu nghỉ dưỡng và khách sạn trên toàn cầu”.
Sự phát triển ồ ạt đã lấy đi nét hoang sơ, quyến rũ thanh bình từng giúp cho Phú Quốc trở thành điểm đến tinh hoa của Việt Nam trong mắt nhiều du khách có dịp đến đây từ sớm.
“Trong suốt 20 năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam dường như được dẫn dắt bởi câu thần chú đơn giản – “To đồng nghĩa với đẹp”. Nhưng thực tế thì hiếm khi được như vậy. Các tỉnh thay phiên nhau giành giật các dự án đầu tư khổng lồ và lãng quên hầu hết các ưu đãi khác được ban tặng”, Mark Bowyer, chuyên gia về du lịch Việt Nam tại website du lịch trực tuyến rustycompass.com nhận định.
Trịnh cho biết anh đã rất đắn đo để đưa vợ và 5 đứa con trở về Việt Nam lần nữa. “Tôi nói với mọi người ở Canada nên tới Việt Nam trước khi những điểm đến bị thương mại hóa. Giờ đây tôi thấy Việt Nam đang chuyển mình rất nhanh để đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch và sẵn sàng chà đạp lên những gì được thiên nhiên ban tặng giống như các bác sỹ thẩm mỹ đắp nhựa lên người khách hàng để đáp ứng xu hướng sắc đẹp hiện tại”, Trịnh ví von.
Khi tỷ lệ quay lại của du khách quốc tế chỉ vào khoảng 33%, sự phát triển hỗn loạn lại đến đúng vào thời điểm Việt Nam phải gánh chịu sự quay lưng của du khách, thể hiện rõ nhất ở số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang sụt giảm 13 tháng liên tiếp tính tới tháng 6, tỷ lệ giảm 8,2% về lượng so với tháng 05/2015, theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đón tiếp khoảng 3,8 triệu lượt khách nước ngoài, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính của sự lao dốc đến từ Nga và Trung Quốc – 2 nguồn cung ứng khách du lịch chính cho Việt Nam – sự kiện biển Đông xảy ra vào tháng 5/2014 và đồng tiền Nga bị mất giá do trừng phạt kinh tế. Theo Tổng cục thì lượng du khách đến từ các quốc gia khác tuy tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp cho số lượng bị mất từ 2 nguồn chính.
“Trong khi đó, Việt Nam không thể thúc đẩy việc quảng bá ra nước ngoài do thiếu kinh phí”, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình được cơ quan truyền thông địa phương dẫn lời vào tháng 5 vừa qua. Các chuyên gia và nhà điều hành cũng than phiền vềchính sách thị thực rất phức tạp và không thân thiện của Việt Nam cũng góp phần không nhỏ.
Tín hiệu cho thấy lượng du khách đến Việt Nam đang ngày càng yếu. Ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty
Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành thành lập Quỹ trị giá 100 triệu USD để xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa ký quyết định mở rộng diện miễn trừ thị thực cho các quốc gia Châu Âu và còn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến những nỗ lực như vậy”, Kenneth Atkinson, Chủ tịch nhóm công tác về Du lịch thuộc Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam, cơ chế quy tụ các Hiệp hội doanh nghiệp và phòng Thương mại trong nước và Quốc tế, cho biết.
Nhưng ngay cả những người ủng hộ chính sách miễn thị thực cũng cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong dịp trao đổi với báo chí gần đây bên lề phiên họp Quốc Hội còn cho rằng nguyên nhân còn nằm ở giao thông không an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, trộm cướp, nạn ăn xin, lừa đảo cũng góp phần cản trở không nhỏ.
“Điều tệ nhất chính là sự phá hủy một cách có hệ thống vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, mà đó chính là thỏi nam châm thu hút khách du lịch, được đặt dưới những từ ngữ rất mỹ miều như hiện đại hóa và vì sự phát triển của nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc một công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của Việt Nam, cho biết. “Một loạt các kỳ quan thiên nhiên đang bị đe dọa dọc chiều dài đất nước".
Điển hình trong số đó chính là dự án xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, một trong những hang động tự nhiên đẹp nhất thế giới nằm khu vực gần biên giới Việt Nam – Lào, chỉ được chính quyền Quảng Bình dừng lại sau khi vấp phải tiếng nói phản đối từ các du khách và các nhóm bảo tồn thiên nhiên.
Ở các nơi khác vẫn luôn tồn tại những dự án đe dọa thiên nhiên như vậy, chẳng hạn như các kế hoạch xây dựng một loạt các sòng bài ở các khu vực danh lam thắng cảnh (điển hình là dự án ở Cao nguyên đá Đồng Văn ở phía Bắc Việt Nam, nơi đã được thế giới công nhân là công viên địa chất toàn cầu trong năm 2010) rộng lớn.
Các nhà bảo tồn cho rằng chính việc quy hoạch yếu kém công tác xây dựng các nhà máy thủy điện và khu nghỉ dưỡng ven biển chính là nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở ở Hội An, nơi được UNESCO công nhận Di sản và là một trong những điểm đến ưa thích của du khách khi đến Việt Nam.
“Dường như Việt Nam cảm thấy những kỳ quan mà họ đang sở hữu là không đủ, họ cảm thấy bất an, chính điều đó thôi thúc họ phải “cải thiện” bằng những hệ thống cáp treo, sòng bài và những quán karaoke”, Pamela McElwee, trợ lý giáo sư ngành Sinh thái nhân văn tại đại học Rutgers, người đang bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu các khu vực được bảo tồn ở Việt Nam, nhận định đầy ngao ngán.
Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang phải cố gắng cân bằng nhiệm vụ bảo tồn, vừa phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng sao cho du khách dễ dàng tiếp cận được các thắng cảnh để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Malaysia.
Trong năm 2014, lượng du khách đến các quốc gia này gấp 3 lần con số của Việt Nam, nơi chỉ đón tiếp được vỏn vẹn 7,87 triệu lượt khách, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là 8,2 triệu lượt khách. Trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu chính sách miễn thị thực lên tới 15 ngày cho khách du lịch đến từ các nước như Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha, đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng các trường hợp miễn thị thực khác.
“Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực cho các nước Châu Âu sẽ không có tác động ngay tức thời cho đến giữa năm sau vì hiện tại mọi người hầu như đã có kế hoạch du lịch cho mình trong năm 2015”, Atkinson cho biết.
“Thế nhưng, vấn đề nguy hiểm ở chỗ các cơ quan chức năng có thể vỡ mộng rất nhanh chóng. Họ có thể chỉ nhìn thấy 4 hoặc 5 tháng còn lại của năm 2015 và cho rằng chính sách miễn thị thực không hề có tác động gì cả”.
“Họ cần phải có niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng”.
8.22.2015
Chàng trai Ấn Độ và dự án “ngược đời”: Tạo ra ứng dụng giống Uber dành cho... khách sạn!
Ấn Độ là một thị trường lớn và khá đa dạng. Khi mức chi tiêu của người dân Ấn tăng lên thì nhu cầu về chỗ ở trong một khách sạn cũng tăng vọt hơn so với trước đây.
Đầu tuần này, thị trường trực tuyến dành cho những chuyến lưu trú tại khách sạn với giá cả vừa túi tiền của Ritesh Agarwal là OYO Rooms đã nhận được 100 triệu USD đầu tư từ tập đoàn SoftBank, Nhật Bản. Agarwal năm nay mới 21 tuổi và được xem là thế hệ mới của một đất nước Ấn Độ đầy dân khởi nghiệp trẻ trung và năng động.
OYO Rooms cũng là một trong số ít các startup ở Ấn Độ không bắt chước mô hình của nhiều startup thành công khác trên thế giới. Hiện OYO Rooms có 14.000 phòng ở 80 thành phố khác nhau và đối thủ lớn nhất của Agarwal là chuỗi khách sạn lừng danh Taj Hotels hiện có hơn 9000 phòng và dự kiến sẽ sớm tăng gấp đôi số lượng phòng cho phân khúc hạng sang.
Cũng có vài lý do khiến cho OYO giống như Uber, chứ không phải là Airbnb. Chẳng hạn như, nhu cầu tìm được nơi ở với giá cả vừa phải, hợp túi tiền ở Ấn Độ là vô cùng lớn. Thách thức ở đây không phải là sự tìm ra được nơi đó mà là thiếu sự tiên đoán về những kinh nghiệm lưu lại ở khách sạn đó, và Agarwal đang giải quyết được chuyện đó.
Du khách đã quá quen với những tình huống “ác mộng” tại những khách sạn hoạt động đơn lẻ ở Ấn Độ. Trái với những lời hứa hẹn, khách trọ thường được dẫn tới những tòa nhà xiêu vẹo, thiếu cả những bảng hướng dẫn, phòng tắm thì hỏng hóc, nệm trải giường thì rách bươm, sàn nhà dơ bẩn, máy điều hòa không hoạt động, khi thanh toán thì lại không chấp nhận thẻ tín dụng .v.v.
“Không vị khách Ấn Độ nào đáng phải ở những nơi như thế, cho dù họ thanh toán bằng gì đi nữa. OYO đang cố gắng giải quyết sự thiếu tin tưởng đó,” Ritesh Agarwal nói, và anh cũng cho biết thêm tiềm năng dành cho các khách sạn tên tuổi là rất lớn - khoảng 415 triệu người Ấn có ít nhất một chuyến đi mỗi năm.
Vì thế, những khách sạn của OYO cam kết cung cấp đúng theo chuẩn của mình, với 30 tiêu chí, trong đó có cả wifi miễn phí, bữa sáng, tivi màn hình phẳng, khăn trải giường sạch sẽ và nhà vệ sinh có vòi sen 6 inch, có khay thức uống .v.v. Các tiện nghi này được kiểm tra cứ mỗi vài ngày một lần để bảo đảm rằng mọi du khách sẽ có được một trải nghiệm chất lượng. Giá phòng của OYO dao động từ 999 rupee (khoảng 16 USD) đến 1.500 rupee (khoảng 25 USD) trong khi những phòng tầm trung của các khách sạn khác là từ 1.600 rupee (khoảng 26 USD) đến 4.000 rupee ( khoảng 66 USD). OYO cũng cung cấp cho những chủ khách sạn đối tác của mình những hỗ trợ như các chương trình huấn luyện về phục vụ đúng theo tiêu chuẩn chất lượng.
Agarwal vốn là một sinh viên đại học nhưng cũng bỏ ngang như những tên tuổi lớn khác trong làng công nghệ và là người châu Á đầu tiên tốt nghiệp chương trình Thiel Fellowship do nhà sáng lập của PayPal là Peter Thiel tài trợ. Anh cho rằng công ty của mình là một mô hình kinh doanh độc đáo, chứ không hề bắt chước những gì từ thung lũng Silicon hay Trung Quốc.
Nhờ sự thành công của OYO, phân khúc du lịch với giá cả hợp túi tiền đã đột nhiên trở nên nóng hơn bao giờ hết, với những thương vụ đầu tư vào những công ty tương tự như OYO. Chẳng hạn như Treebo đã nhận được 6 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có cả Matrix Partners và SAIF Partners dù chỉ mới được hai cựu quản lý của McKinsey thành lập cách đây 3 tháng. StayZilla cũng đã huy động được 20 triệu USD từ Nexus Venture Partners và Matrix Partners. Trong tháng này ZO Rooms đã nhận được 30 triệu USD đầu tư từ Tiger Global và những đối tác khác.
Đồng sáng lập của Treebo là Sidharth Gupta cho rằng nguồn cung ở thị trường khách sạn không có tổ chức ở Ấn Độ ước tính hiện có khoảng 1 triệu phòng. Trong khi nhiều công ty du lịch cung cấp được sự tiện lợi trong việc đặt phòng trực tuyến thì họ lại không giải quyết được vấn đề bảo đảm chất lượng sau đó. “Chúng tôi cung cấp phòng sạch và bảo đảm sẽ có 30 phút dọn phòng nếu khách có bất kì sự khó chịu nào,” Gupta nói và cũng cho biết thêm là công ty anh sẽ kết nối với 21 khách sạn nữa ở 4 thành phố vào cuối tháng này. Anh ước tính tiềm năng thị trường khách sạn ở Ấn Độ là khoảng 10 tỉ USD. “Khi du khách tiếp cận được chỗ ở chất lượng cao mà không hề bị “thủng túi” thì điều đó sẽ mở ra một dạng khách du lịch mới,” Gupta dự báo.
Ấn Độ là một thị trường lớn và khá đa dạng. Khi mức chi tiêu của người dân Ấn tăng lên thì nhu cầu về chỗ ở trong một khách sạn cũng tăng vọt hơn so với trước đây. “Ở những thành phố nhỏ, người ta rủ nhau vào nghỉ ở các khách sạn của OYO khi nhà họ bị mất điện vì khách sạn của chúng tôi bảo đảm có máy điều hòa cho họ, còn người trẻ Ấn Độ đi vào những khách sạn này vì họ không muốn đi về nhà trong tình trạng say xỉn, sợ bố mẹ la. Có vô vàn lý do khiến cho người ta sử dụng khách sạn ngày càng nhiều ở Ấn Độ,” Kavikrut, nhân viên mở rộng thị trường của OYO, cho biết.
Những nhà đầu tư vào OYO sớm nhất có Sequoia Capital, Lightspeed India và Greenoaks Capital. Hiện OYO đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh - trong tháng 7 vừa qua họ đã đưa thêm 43 thành phố vào danh sách của mình và dự kiến sẽ đưa vào thêm 50 nữa trong tháng này. Kavikrut tự tin nói rằng OYO sẽ cung cấp 50.000 phòng ở 200 thành phố vào cuối năm nay và sẽ tăng lên 500.000 trong hai hoặc ba năm tới. Chúng ta hãy chờ xem!
Thay đổi của Google sẽ khiến hàng triệu doanh nghiệp điêu đứng
Google sẽ tung ra một bản cập nhất lớn mảng tìm kiếm trên di động của mình. Trong đó, thuật toán sẽ thay đổi để thứ tự hiển thị kết quả tìm kiếm của người dùng trên điện thoại và máy tính bảng.
Thuật toán này sẽ bắt đầu ưu tiên những website “thân thiện với môi trường di động” (các website có phông chữ lớn, dễ ấn vào link, được điều chỉnh để vừa cỡ với màn hinh di động). Những website này sẽ được ưu tiên vị trí cao hơn trong kết quả tìm kiếm. Những website kém “thân thiện” sẽ bị đẩy xuống.
Hiện 60% lượng traffic đến từ nền tảng di động và Google muốn người dùng được trải nghiệm tốt hơn khi họ nhấn vào bất cứ đường link nào trên điện thoại của mình.
Hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới đã công bố sự thay đổi này từ hồi tháng 2 để các nhà quản trị web có 2 tháng và nhiều thông tin cần thiết để chuyển đổi trang web của mình. Mặc dù vậy, bản cập nhật này dự kiến vẫn sẽ “lập lại trật tự” kết quả tìm kiếm trên Google.
“Nó được đặt với biệt danh “Ngày phán xét” của Mobile bởi ảnh hưởng nó mang lại tới hàng triệu website. Thậm chí có nhiều website vẫn không biết về nó” Itai Sadan, CEO của một công ty chuyên thiết kế website Duda cho biết.
Theo Itai, những người chịu ảnh hưởng nhất sau ngày 21/4 là những DN nhỏ ít chịu sửa đổi. Các DN này hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy lượng người truy cập vào website của mình giảm mạnh. Chẳng hạn, những quán cà phê muốn những người dùng bản địa tìm ra mình, sẽ nhanh chóng nhận thấy những ảnh hưởng nặng nề.
Google trước đây luôn coi nội dung là vua. Nhưng điều này đang thay đổi. Quan điểm của họ bây giờ đó là: “Nội dung vẫn là rất quan trọng, nhưng trải nghiệm của người dùng cũng quan trọng không kém. Bạn không thể chỉ cung cấp nội dung chính xác, nội dung của bạn còn phải dễ đọc”, Itai nhận định.
Không phải chỉ có những DN nhỏ mới chịu ảnh hưởng của thuật toán mới này. Nếu nhìn vào website của một số thương hiệu lớn như American Apparel, Daily Mail, Ryanair, có thể dám chắc họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, trừ khi họ tiến hành cập nhật website của mình trước thứ 3 này.
8.20.2015
Ai cười, ai khóc khi Google thay đổi thuật toán?
Có nhiều ý kiến “kêu trời” rằng họ không hề biết đến thay đổi của Google, họ chưa chuẩn bị… nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng họ đã quan tâm tới giao diện di động ngay từ đầu, vì vậy họ vui khi Google thay đổi thuật toán.
Nội dung nổi bật:
- Google sẽ thực hiện một nâng cấp lớn đó là thay đổi thuật toán để sắp xếp thứ tự hiển thị kết quả tìm kiếm của người dùng trên điện thoại và máy tính bảng.
- Sẽ có hàng triệu website và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Tuy vậy, chỉ những ai chưa chú ý đến giao diện di động, video và xây dựng sự tiếp cận tối giản cho người sử dụng mới phải sợ hãi, thực sự sợ hãi trước thay đổi của Google”.
Google sẽ thực hiện một sự nâng cấp lớn đó là thay đổi thuật toán để sắp xếp thứ tự hiển thị kết quả tìm kiếm của người dùng trên điện thoại và máy tính bảng. Thuật toán này sẽ bắt đầu ưu tiên những website “thân thiện với môi trường di động” (các website có phông chữ lớn, dễ ấn vào link, được điều chỉnh để vừa cỡ với màn hinh di động). Những website này sẽ được ưu tiên vị trí cao hơn trong kết quả tìm kiếm. Những website kém “thân thiện” sẽ bị đẩy xuống.
Đây là một thay đổi lớn và gây ảnh hưởng tới hàng triệu website trên thế giới. Những website này sẽ đột nhiên thấy họ bị mất vị trí xếp hạng cao. Các doanh nghiệp nhỏ cũng phải chịu tổn hại không nhỏ bởi đa phần trong số họ “thậm chí chưa biết đến thay đổi này và cũng không có đủ thời gian hay nguồn lực để đáp ứng thay đổi đó”, Itai Sadan – CEO của công ty xây dựng website Duda nói.
Tờ BusinessInsider đã hỏi nhiều doanh nghiệp nhỏ và các nhà lập trình web xem họ nghĩ gì về thay đổi này dù đã chuẩn bị đón nhận hay chưa và nhận được hàng loạt phản hồi. Dĩ nhiên có nhiều ý kiến “kêu trời” rằng họ không hề biết đến thay đổi này, họ chưa chuẩn bị… nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng họ đã quan tâm tới giao diện di động ngay từ đầu, vì vậy họ vui với cách thay đổi thuật toán mới của Google. Dưới đây là một số ý kiến như vậy:
“Tôi hoàn toàn không biết thay đổi này”
Jasdeep Narang sở hữu công ty phát triển web Mataware Labs nhưng anh không hề biết về việc thay đổi thuật toán này sẽ xảy ra. “Tôi chỉ biết sau khi đọc báo, tôi đã nói chuyện với khách hàng của mình và cũng không ai biết việc này”.
Tuy nhiên thật may mắn: Có tới 70% khách hàng của Narang đều sở hữu website có giao diện di động thân thiện.
“Tôi biết thay đổi này nhưng quá trình tạo giao diện di động thân thiện cho website quá khó”
Gregory Nemitz đang điều hành BeefJerky.com và anh nói rằng gặp khó khăn trong việc khiến website của mình trở nên thân thiện hơn với cả di động và máy tính. Ngoài ra, anh cũng không có đủ tiền để phát triển một site di động riêng.
BeefJerky.com là một trong những website được đánh giá không thân thiện với di động.
Anh nói: “Những ngày đầu lập website, tôi đã làm việc rất chăm chỉ với mong muốn nó sẽ thực hiện tốt cả chức năng cho màn hình máy tính và di động. Tuy vậy, sau khi tốn rất nhiều thời gian mà không mang lại gì, tôi đã nhận ra muốn gộp 2 mục tiêu lại là không phù hợp”.
“Di động thì cần một địa chỉ để tối ưu hóa lượt truy cập di động, trong khi đó máy tính cũng cần một địa chỉ tối ưu hóa lượt truy cập máy tính. Có lẽ việc thuê một nhà phát triển web tài năng có thể giải quyết được vấn đề hiện tại nhưng số tiền lương phải trả cho người này là quá lớn. Có lẽ tôi sẽ phải chịu thua với thay đổi này. Công ty của tôi đã 20 năm tuổi và là một địa chỉ bán thịt bò cao cấp với 3 tỷ USD doanh thu hàng năm. Bạn có thể nghĩ chắc tôi làm ăn rất có lãi nhưng thực tế tôi chỉ có thu nhập đủ sống và hỗ trợ cho 1 người nữa mà thôi”.
“Tôi biết thay đổi này nhưng đã phải vật lộn chuẩn bị cho đến giây phút cuối”
Mitch Goldstone đến từ ScanMyPhotos nói rằng toàn bộ đội ngũ kỹ sư của công ty anh đã chuẩn bị cho việc nâng cấp: “Từ nhiều tuần trước chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân viên IT làm việc và sẵn sàng cho sự thay đổi vào hôm nay”.
Amber Fehrennbacher đến từ web SureBonds.com lại nói rằng đội ngũ nhân viên IT của công ty đã phải bỏ mọi dự án và công việc khác chỉ để tập trung nâng cấp website và sẵn sàng đón nhận thay đổi từ Google. Anh chia sẻ: “Tôi từng tận mắt chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng từ kết quả tìm kiếm Google tới hiệu quả kinh doanh, vì vậy chúng tôi phải tập trung toàn bộ nguồn lực để sẵn sàng cho thay đổi lần này”.
“Doanh nghiệp của tôi thuộc loại nhỏ với chỉ 5 người nhưng chúng tôi đã phải làm việc không ngừng trong vòng 3 tháng để mã hóa website của công ty sao cho có giao diện di động thân thiện hơn. Chúng tôi đã phải ngừng tất cả các dự án và tập trung vào việc duy nhất là xây dựng lại mã. Kết quả là chúng tôi đã quản lý bộ đếm lỗi di động trên công cụ Webmaster từ 258 trong tháng 2 xuống chỉ còn 27”.
“Dù không biết thay đổi này nhưng tôi đã chuẩn bị trước và thấy vui với nó”
Ed Baker hiện đang điều hành 2 website RebCarpetEntrances.com và ChromaWall.com nói rằng di động đang chiếm 37,59% lượng truy cập web của cô.
“Thành thật mà nói tôi không biết thuật toán của Google sẽ thay đổi. Tuy vậy, tôi rất thích thú bởi điều này sẽ chỉ khiến website của tôi được xếp hạng cao hơn mà thôi. Chỉ những ai chưa chú ý đến giao diện di động, video và xây dựng sự tiếp cận tối giản cho người sử dụng mới phải sợ hãi, thực sự sợ hãi trước thay đổi của Google”.
“Tôi đang điều hành website của công ty và tôi thật sự hạnh phúc khi nghe Google thay đổi thuật toán. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực truyền thông khoảng 10 năm và hoàn toàn biết tầm quan trọng của việc có một giao diện di động thân thiện. Bởi vậy, khi thuê nhà phát triển để tạo website, tôi đã đặc biệt yêu cầu cô ấy sử dụng một giao diện thân thiện. Chính vì vậy, thay đổi của Google sẽ chỉ làm tăng xếp hạng website của tôi mà thôi. Nó sẽ trở thành lợi thế của tôi so với các doanh nghiệp khác chưa chú ý đến giao diện di động. Vì vậy, tôi vui với thay đổi này và tôi vẫn sẽ xây dựng cơ sở khách hàng của mình”.
8.18.2015
Facebook công bố 3 thay đổi lớn, 2 trong số đó khiến các Fanpage hoang mang
Ngay sau Google, Facebook cũng tuyên bố sẽ đưa ra 3 thay đổi lớn với thuật toán xuất hiện trên bảng tin của người dùng.
Nội dung nổi bật:
- Ngay sau khi Google tuyên bố thay đổi thuật toán khi ưu tiên những website có giao diện di động thân thiện, Facebook cũng cho biết họ sẽ thay đổi thuật toán trên NewsFeed.
- 3 thay đổi lớn gồm: Người sử dụng Facebook có thể nhìn thấy hơn 1 post trên NewsFeed từ cùng một nguồn; Facebook sẽ bắt đầu ưu tiên nội dung trên NewsFeed được đăng bởi bạn bè; Facebook sẽ bắt đầu ẩn những post mà bạn bè của bạn like (thích) hoặc bình luận.
Trong khoảng hơn 1 năm qua, hàng loạt các nhà xuất bản (người sở hữu website, đặt quảng cáo cho các nhà quảng cáo – advertiser để hưởng hoa hồng) và chủ fanpage Facebook được hưởng lợi từ lượng truy cập khổng lồ từ mạng xã hội. Cụ thể, các nhà xuất bản đẩy nội dung lên Facebook thông qua các đường link và sau đó hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người sử dụng Facebook có thể nhìn thấy nội dung này.
Tuy nhiên, rõ ràng lợi ích từ lượng người truy cập khổng lồ kể trên không phải là mãi mãi. Và mới đây, Facebook đã nói rằng họ sẽ tạo ra 3 thay đổi lớn về thuật toán NewsFeed (bảng tin) và điều này có nghĩa là một lượng lớn lượt truy cập sẽ biến mất.
“Chúng tôi muốn bạn biết thay đổi này có thể ảnh hưởng đến lượng truy cập của các nhà xuất bản”, Giám đốc sản phẩm của Facebook là Max Eulenstein và chuyên gia nghiên cứu trải nghiệm người dùng Lauren Scissors nói. “Trong một vài trường hợp, lượng truy cập sẽ giảm”.
Dưới đây là 3 thay đổi chính yếu đó:
- Người sử dụng Facebook có thể nhìn thấy hơn 1 post trên NewsFeed từ cùng một nguồn. Thuật toán của Facebook trước đây không cho phép điều này. Facebook nói rằng họ đang khiến “quy định trở nên dễ chịu hơn” vì vậy những người không nhìn được quá nhiều nội dung trên bảng tin thì bây giờ có thể nhìn thấy nhiều hơn.
- Facebook sẽ bắt đầu ưu tiên nội dung trên NewsFeed được đăng bởi bạn bè. “Thay đổi này để chắc chắn rằng nội dung được đăng trực tiếp bởi bạn bè – những người mà bạn thật sự quan tâm. Như vậy, những bức ảnh, video, liên kiết hay cập nhập trang của họ sẽ được đẩy lên cao hơn trên bảng tin để bạn không bỏ lỡ nó. Cần phải lưu ý rằng, bạn vẫn có thể nhìn thấy nội dung tin tức từ những nhà xuất bản và fanpage mà bạn muốn.
- Facebook sẽ bắt đầu ẩn những post mà bạn bè của bạn like (thích) hoặc bình luận. Điều này sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ cho các nhà xuất bản bởi đây là nguồn tiếp cận người dùng lớn thứ 2 của họ. “Thay đổi này sẽ khiến các bài viết của họ xuất hiện xuống dưới trong bảng tin hoặc thậm chí không hiển thị”.
Như vậy, thuật toán đầu tiên thay đổi có thể là tín hiệu tốt cho các nhà xuất bản bởi người dùng có thể nhìn thấy nhiều hơn 1 bài viết của họ. Thay đổi thứ 2 có vẻ đáng lo hơn. Đơn giản, nếu một người thích nội dung được viết bởi bạn bè của họ hơn câu chuyện hay bài đăng của một nhà xuất bản, họ sẽ bắt đầu xem các post của bạn bè nhiều hơn và của các nhà xuất bản ít đi. Điều thứ 3 có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất bản và làm giảm lượt truy cập.
Những thay đổi này sẽ áp dụng trong một vài tuần tới theo người phát ngôn của Facebook. Một số thay đổi khác cũng có thể đến ngay sau đó. Tờ New York Times cho biết một vài nhà xuất bản có thể đăng bài viết của họ trực tiếp lên Facebook trước khi đăng lên website.
Cần phải nhớ một lưu ý quan trọng rằng, ảnh hưởng đến các nhà xuất bản sẽ khác nhau đáng kể. Những gì một người dùng Facebook nhìn thấy trên NewsFeed của họ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như page mà họ theo dõi, nội dung mà họ hứng thú và bạn bè mà họ cho là thân thiết. Vì vậy, thậm chí nếu không theo dõi nhiều tin tức trên Facebook, nếu bạn bè mà bạn hay theo dõi chia sẻ những câu chuyện đó, bạn vẫn có thể tiếp cận những bài viết này trên bảng tin.
Bước thay đổi này tới ngay sau khi Google tạo ra 1 thay đổi lớn với thuật toán trên công cụ tìm kiếm di động khi ưu tiên những website có giao diện di động thân thiện. Thay đổi của Google nghe có vẻ không quan trọng lắm nhưng lại có nguy cơ ảnh hưởng và phá hủy hàng triệu website khiến họ mất một lượng lớn lượt truy nhập.
8.16.2015
1 post trên fanpage của sao đáng giá bao nhiêu tiền ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Facebook là mạng xã hội số 1. Với hàng chục triệu người dùng, Facebook không chỉ là nơi tiếp nhận thông tin, giao tiếp với bạn bè, mà còn là một môi trường quảng cáo hoàn hảo.
Những người nổi tiếng, chủ nhân của những fanpage có hàng triệu lượt người "like" và "follow", những người có khả năng lan tỏa thông tin nhanh chóng tới cộng đồng người dùng trên Facebook trở thành đối tượng của nhiều nhãn hàng.
Một Fanpage có vài triệu lượt người yêu thích và theo dõi không chỉ là thước đo mức độ nổi tiếng, nó còn hái ra tiền.
Chi phí cho một bài post mang màu PR đăng lên những fanpage này không hề rẻ. Theo chia sẻ của người trong ngành, các công ty quảng cáo sẽ phải trả trung bình từ 12 - 20 triệu đồng cho một post như vậy, tùy vào từng ngôi sao.
Tuy nhiên, giá trị thực tế của mỗi bài post thậm chí còn có thể cao hơn thế.
Dưới đây là thống kê của SocialOne, công cụ quy đổi lượng Fan, số lượng post mỗi tuần, tương tác với trang và tương tác với mỗi bài post để từ đó ước tính xem mỗi post đáng giá bao nhiêu tiền.
Dưới đây là giá trị ước tính mỗi bài post của 8 người có nhiều người hâm mộ nhất Việt Nam.
8. Chi Pu - 16 triệu đồng
Người nổi tiếng sinh năm 93 được biết đến với những bộ ảnh thời trang dễ thương, nhưng từ khi người đẹp quyết định Nam tiến và chinh phục ước mơ ca hát, đóng phim thì lượng fan của cô tăng lên chóng mặt.
Sở hữu fanpage có 5,4 triệu lượt người theo dõi, đứng thứ 8 trong số các fanpage có đông lượng người yêu thích nhất Việt Nam, Chi Pu trung bình đăng khoảng 20 post mỗi tuần. Ước tính, mỗi post của cô đáng giá 709 USD (khoảng 16 triệu đồng).
7. Đông Nhi - 24,8 triệu đồng
Fanpage của Đông Nghi hiện có 5,5 triệu người hâm mộ, không hơn nhiều so với Chi Pu, tuy nhiên, số lượng bài post trung bình mỗi tuần của Đông Nhi chỉ là 10, chỉ bằng một phần hai so với Chi Pu, vì vậy số tiền quy ra cũng lớn hơn: 1.100 USD, tương đương khoảng 24,8 triệu đồng.
6. Hồ Quang Hiếu - 28,3 triệu đồng
Sở hữu fanpage với 6,2 triệu lượt người yêu thích, nam ca sĩ này ước tính nhận được khoảng 1.253 USD (khoảng 28,3 triệu đồng) cho mỗi bài post. Tuy nhiên, vấn đề của Fanpage này đó là lượng tương tác với trang đang ngày càng giảm.
5. Minh Hằng - 29,5 triệu đồng
Đại diện của nhiều thương hiệu và nhãn hàng mĩ phẩm có Fanpage khá đông: 5,6 triệu lượt người. Điểm đáng quan tâm là fanpage của Minh Hằng sở hữu tỉ lệ tương tác rất cao so với các ngôi sao khác: 75%. Vì vậy, dù đăng thông tin khá thường xuyên, giá trị mỗi bài post của Minh Hằng cũng ở mức cao: 1.306 USD/post, tương đương khoảng 29,5 triệu đồng.
4. Trấn Thành - 32,4 triệu đồng
MC tài năng với lối dẫn chương trình hài hước, duyên dáng này hiện sở hữu fanpage có 6,1 triệu người hâm mộ. Xuất hiện với tần suất dày đặc trên sóng truyền hình cũng như tích cực tham gia đóng phim, diễn hài, Trấn Thành nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội.
Giá trị trung bình mỗi post của Trấn Thành khoảng 1.437 USD, tương đương với 32,4 triệu đồng.
3. Khởi My - 57 triệu đồng
Hiện nay Khởi My có tới 2 fanpage gồm Trần Khởi My với lượng theo dõi lên đến hơn 7,7 triệu và Khởi My có hơn 5,4 triệu. Trong đó, fanpage Trần Khởi My là fanpage đông đảo nhất Việt Nam, vì vậy, giá trị mỗi post của Trần Khởi My cũng vào loại cao nhất: 2.534 USD/post, tương đương khoảng 57 triệu đồng.
2. M-TP - 72 triệu đồng
Nam ca sĩ đến từ Thái Bình là người có được sự bứt phá ngoạn mục khi anh mới lập fanpage đầu năm 2014 nhưng đến nay, sau 1 năm, lượng follow giọng ca trẻ này đã là 6,5 triệu.
Lý do đẩy mức giá một post trên fanpage Sơn Tùng lên cao như vậy là do fanpage này trung bình chỉ có 2 bài post mỗi tuần.
1. Hoài Linh - 168,8 triệu đồng
Gương mặt gạo cội trong làng nghệ thuật, Hoài Linh, sở hữu Fanpage đông thứ hai Việt Nam với hơn 7,2 triệu Fan. Là nghệ sĩ hài nổi danh từ thị trường hải ngoại, chính vì thế lượng người hâm mộ của Hoài Linh cũng tập trung ở những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc.
Dù sở hữu lượng fan ít hơn, nhưng lượng tương tác trên mỗi post của Hoài Linh ở mức rất cao: 747.173 tương tác/post. Lượng post trung bình trên Fanpage của danh hài này cũng rất ít, chỉ có 2 post/tuần.
Do đó, giá trị ước tính mà Social đưa ra cho fanpage Hoài Linh cũng ở mức đột biến: 7.472 USD/post, tương đương với hơn 168 triệu đồng.
8.14.2015
Những điều bạn cần nắm rõ khi học Marketing online
Học Marketing online khó hay dễ? Đó là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm bởi Marketing online ngày càng khẳng định được tầm ảnh hưởng trong doanh nghiệp. Hiện nay có khá nhiều các bài viết trên blog khác nhau chia sẻ về các phương pháp marketing mới nhất, nhưng bởi vì những blog này không được công bố rộng rãi nên bạn khó có thể nắm bắt được kiến thức và áp dụng cho website của bạn. Bởi vậy bạn có thể rất hiểu về các chiến lược marketing nhưng các chiến lược của bạn lại không hiệu quả bởi bạn không áp dụng các phương pháp marketing online.
Sau đây là những điều căn bản bạn cần biết khi học Marketing online để có thể xây dựng được chiến lược Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của mình:
– Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search engine optimization): đây là cách để website của bạn thân thiện với các công cụ tìm kiếm hay thân thiện với người dùng từ việc tối ưu mã nguồn on – page của bạn đến tốc độ tải trang, nội dung trang… để Google không bao giờ bắt lỗi trang của bạn
– Xây dựng đường link: là việc làm xuất hiện đường link của bạn trên các trang web chất lượng khác, hiện nay có rất nhiều các video hướng dẫn cách xây dựng các đường link trỏ về website của bạn , những mẹo nhỏ, những kĩ năng giúp đường link của bạn chất lượng hơn…
– Content marketing là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một trang web, có nhiều cách thức để bạn làm đa dạng và phong phú content marketing của bạn như sáng tạo Infographic, viết những bài viết mang tính chất công đòng, chia sẻ kiến thức hữu ích, dúng với nhu cầu thông tin của khách hàng.
– Marketing trên mạng truyền thông xã hội: bạn sẽ thu hút được nhiều lượt traffic từ những lượt chia sẻ trên mạng xã hội, bởi vậy, khi làm marketing online bạn không thể bỏ qua những kênh mạng xã hội.
– Trả tiền quảng cáo: mặc dù những lượt traffic tự nhiên sẽ mang có hiệu quả hơn cho trang web của bạn nhưng những lượt traffic từ việc quảng cáo của bạn sẽ giúp trang web của bạn nhanh được mọi người biết đến hơn, đồng thời, bạn cũng có thể hưởng lợi từ những lượt traffic đó. Bạn nên học cách để tạo một chiến dịch quảng cáo trên Adword và Youtube và một số kênh khác để tiết kiệm chi phí quảng cáo và mang lại hiệu quả cao.
– Email marketing: đây là phương pháp marketing online bằng cách thu thập địa chỉ email từ website của bạn và cài đặt chế độ gửi tự động đến toàn bộ website đồng thời bạn có thể học cách viết email hiệu quả tới người dùng .
– Quản lí uy tín: Bạn thấy lo lắng về những gì người khác nói về bạn, bạn muốn điều khiển kết quả của bộ máy tìm kiếm đối với thứ hạng thương hiệu của bạn, bạn cần biết đến công cụ SEO.
– Tối ưu tỉ lệ chuyển đổi: lấy được lượng traffic đến website của bạn chỉ là một phần của chiến thuật marketing. Một phần khác là tỷ lệ chuyển đổi người xem website của bạn thành khách hàng. Bạn cần phải học cách để khiến người xem website hành động thì bạn mới thực sự là người làm Marketing online.
Nếu bạn muốn học Marketing online bạn có thể ghé thăm trang web Tranhieu.edu.vn, đây là địa chỉ tin cậy cung cấp nhiều kiến thức Marketing online cho bạn và hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các công cụ Marketing online.
8.12.2015
Sức mạnh của Content Marketing trong thương mại điện tử
Hiện nay, thuật ngữ Content Marketing không còn xa lạ với những người làm Marketing, nhất là khi nó ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong sự thành, bại của bất kỳ chiến lược Marketing nào. Nhưng bạn đã thực sự hiểu về Content Marketing chưa?
Khái niệm Content Marketing
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Content Marketing phụ thuộc vào cách tiếp cận của nhiều đối tượng khác nhau. Bài viết này xin được đề cập đến khái niệm tổng quan nhất, đơn giản nhất như sau:
Content Marketing là một kỹ năng tiếp thị trong kinh doanh bằng hình thức xuất bản những nội dung phi thương mại mang giá trị về mặt cung cấp thông tin hữu ích cho một nhóm độc giả. Từ đó, chiếm được cảm tình, sự tin tưởng của họ để chuyển đổi những độc giả đó thành khách hàng sử dụng những sản phẩm, dịch vụ có liên quan.
Content Marketing có thể bao gồm: tin tức, chia sẻ kinh nghiệm, hình ảnh, video, ebook, infographic và case study,…
Sức mạnh của Content Marketing trong thương mại điện tử
Trong thời đại công nghệ số thì thương mại điện tử trở thành xu thế tất yếu. Content Marketing giữ vai trò cốt lõi, giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng phát triển và nâng cao hiệu quả tiếp thị trên các kênh Marketin Online. Từ đó, tăng tỷ lệ tương tác với khách hàng tiềm năng, tăng số lượng đơn hàng và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Khi nhu cầu của khách hàng ngày một nhiều và họ không chỉ muốn nghe những lời quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm thì Content Marketing là công cụ để doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng của mình. Khi khách hàng được lắng nghe, được chia sẻ, được thấu hiểu thì họ sẽ không ngần ngại mua sản phẩm của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn không chỉ đang bán sản phẩm mà còn đang trao niềm tin, sự hiểu biết và kinh nghiệm.
Xét về tổng thể, nếu hai doanh nghiệp cùng có xuất phát điểm như nhau, công cụ hỗ trợ như nhau thì doanh nghiệp nào cung cấp được nội dung tốt hơn, doanh nghiệp đó sẽ thắng.
Làm thế nào để viết Content Marketing chất?
Để làm Content Marketing tốt, trước tiên bạn cần có thái độ tích cực, thoải mái khi chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng bằng những kiến thức chuyên môn của mình. Bạn cần khiến khách hàng cảm nhận được “cái tâm” của bạn trong những gì mà bạn viết ra.
Các bước để thực hiện chiến lược Content Marketing gồm:
– Xác định phân khúc khách hàng.
– Lập các chu kỳ của Content theo vòng đời của sản phẩm.
– Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
– Theo dõi và đo lượng hiệu quả.
Vì sao ở đâu cũng thấy Pirate Kings?
Pirate Kings có một sức kỳ lạ. Tại sao một trò chơi thông thường lại có khả năng đứng trong top đầu ở 12 quốc gia và vượt lên trên rất nhiều ứng dụng khác?
Nội dung nổi bật:
- Kể từ sau Candy Crush Saga, cư dân mạng lại đang "sốt" với game mới mang tên Pirate Kings.
- Vậy Pirate Kings chơi thế nào, ai tạo ra và vì sao lan truyền rộng rãi tới vậy?
Hiện nay hàng loạt người sử dụng Facebook cảm thấy thực sự phiền toái khi thường xuyên phải nhận những thông báo mời chơi Pivate Kings. Thực tế, cũng đã lâu kể từ sau hiện tượng Candy Crush Saga mới lại có một game gây bão như vậy.
Pivate Kings chơi thế nào?
Đây là một trò chơi đơn giản yêu cầu người chơi quay một bánh xe để kiếm vàng, dùng nhiều loại bong bóng để phòng thủ và sau đó tấn công những người chơi khác. Càng nhiều tiền bạn kiếm được từ việc quay bánh xe, bạn sẽ có cơ hội xây dựng hòn đảo của riêng mình.
Pivate Kings có sự hấp dẫn kỳ lạ. Vậy tại sao một trò chơi thông thường lại có khả năng đứng trong top đầu ở 12 quốc gia và vượt lên trên rất nhiều ứng dụng hấp dẫn khác?
Ai sản sinh ra Pivate Kings?
Pirate Kings được phát triển bởi một công ty game đến từ Israel là Jelly Button. Theo nhà sáng lập Jelly Button thì, Pirate King đã “cất cánh” ngay từ lần đầu tiên họ ra mắt và tốc độ phát triển của nó chưa từng bị chậm đi kể từ sau đó. Hiện công ty đã phát triển phiên bản Pirate Kings cho Android, iOS và trình duyệt với 980.000 lượt người dùng hàng ngày và họ hy vọng đạt con số 1 triệu người dùng/ngày trong năm 2015. Hiện tại Pirate Kings cũng đang “gây bão” tại Việt Nam.
Đội ngũ nhân viên tạo ra Pirate Kings tại Jelly Button.
Mục tiêu phát triển chủ yếu ở Mỹ và các nước Đông Nam Á nhưng nhà phát triển Pirate Kings hy vọng sớm xâm nhập vào các quốc gia khác tại châu Âu, châu Á Thái Bình Dương như Pháp, Đức, Ý và Hàn Quốc…
Thành công của Pirate King không quá ngạc nhiên bởi đây là game độc nhất không phải là sản phẩm của một nhà phát triển game còn “non tay” mặc dù Jelly Button cũng còn rất trẻ. Hiện nhân viên già nhất của công ty cũng mới chỉ 32 tuổi. CEO của Jelly Button là Mor Shani và Ron Saranga tuyên bố đã huy động được 1,5 triệu USD sau vòng huy động vốn vào tháng 12/2014.
Yếu tố then chốt tạo nên thành công của Pirate Kings là gì?
Shani và Saranga gọi Pirates Kings là một game trộn lẫn bởi một người chơi sẽ phải trải nghiệm trong môi trường đa dạng. “Môi trường chơi game đa dạng là trải nghiệm ứng dụng di động mới mà chúng tôi muốn mang đến cho cộng đồng”. Nó không chỉ khiến người chơi có cảm giác như đang sở hữu game này, trên hòn đảo riêng của họ mà kể cả những bạn bè trên Facebook của họ cũng cảm nhận được điều này mặc dù không online”.
Đây là loại game “siêu xã hội”. Nó sẽ hoạt động tốt nhất khi chơi với bạn bè của họ. Vì vậy, các sản phẩm và chiến lược marketing đều được được xây dựng quanh yếu tố xã hội hóa này. “Chúng tôi muốn tìm những người chơi thích thú tham gia vào một phần xã hội của trò chơi và tạo ra trải nghiệm toàn diện trên di động và hoạt động ngoại tuyến – tạo ra những nhóm bí mật và sau đó người dùng trò chuyện với bạn bè và gắn kết cảm xúc với nhau”, Shani nói.
Saranga giải thích rằng Pirate Kings có tính viral mạnh bởi người dùng sẽ gửi lời mời cho bạn bè của họ với mong muốn kiếm được nhiều lượt quay hơn. Jelly Button đã đạt được số lời mời đáng kinh ngạc là 80 triệu lượt trong 1 ngày. Tuy nhiên, đây không là yếu tố giúp game này thăng hạng nhanh chóng đến vậy trên kho ứng dụng. Shani và Saranga tin rằng thông qua việc chấp nhận chơi từ các lời mời và việc nó tham gia vào các nhóm xã hội đã góp phần khiến nó được lan truyền nhanh chóng.
Jelly Button khẳng định, Pirate Kings không chỉ là 1 game có tính lan truyền nhanh. Shani và Saranga nói rằng tốc độ phát triển ở các nước Đông Nam Á tạo đà cho đội ngũ phát triển của công ty địa phương hóa trò chơi của mình phù hợp với từng khu vực, cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho cộng đồng. Sắp tới, công ty sẽ cho ra mắt một phiên bản toàn cầu của Pirates Kings.
Thực tế, nhiều người bị-buộc-phải xem qua Pirates Kings ngay từ đầu bởi hàng tá thông báo lời mời từ bạn bè. Với lời mời được chấp nhận bởi bạn bè, người chơi sẽ được tặng 20 vòng quay miễn phí vì vậy bạn có thể hiểu con số 80 triệu lời mời/ngày. Bên cạnh đó, Pirate Kings cũng gây ra không ít phiền toái, tức giận, thậm chí hành động hủy kết bạn (unfriend) trên Facebook bởi họ nhận được quá nhiều lời mời.
Dù thế nào đi nữa, Pirate Kings cũng đang mang lại thành công vượt bậc cho công ty Jolly Button và có vẻ như mục tiêu 1 triệu lượt người dùng 1 ngày của họ không quá xa vời.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)