10.23.2015

Người quản lý – CEO nên biết gì về Facebook Marketing?

Trong một lần giao lưu với các anh chị cùng học về Thương Hiệu tôi giới thiệu tên Trần Công Thành thì không ai biết nhưng khi nhắc tới quyển sách Facebook Marketing A-Z thì mọi người tỏ vẻ hào hứng và muốn tìm hiểu thêm về Marketing trên Facebook. Trở ngại khi đó là những gì tôi thực hiện trước nay hầu hết trên quan điểm người thực thi, làm sao để làm được việc nên chưa nghĩ tới góc nhìn người quản lý phải sử dụng như thế nào nên đã khất các anh chị tìm hiểu thêm. Với đặc thù của kênh là phải kết hợp cả tư duy và kỹ thuật nên là một người quản lý nếu phải làm hết như người thực hiện thì không có thời gian còn nếu chỉ cần chỉ đạo thôi thì khi đi thuê một đơn vị khác hoặc để nhân viên làm nhiều khi không kiểm soát được ngân sách, hiệu quả chuyển đổi.

Sau một hồi ngâm thì cũng tới lúc ngấm và đúc kết lại từ những lần hợp tác với đối tác phải vất vả giải thích ý nghĩa từng con số cũng như sửa đi sửa lại kế hoạch cho các bên thì tôi nghĩ là một người quản lý, dù nhiều tiền tới đâu đi nữa thì khi triển khai Facebook Marketing mình cũng nên nắm rõ những vấn đề sau. Xin thông báo trước là bài sẽ dài nếu các bạn muốn tiết kiệm tiền của mình thì nên đọc hết còn ngại thì có thể bỏ qua nhưng ít nhất hãy ghi lại những chữ bôi đậm để tránh tình trạng lãng phí tiền của chính bạn.
I. Cơ chế hoạt động của Facebook như thế nào?Đã từng ngồi hướng dẫn cho những người chưa biết gì về Facebook vào đăng nhập, up ảnh, like, comment share bài viết nên tôi đặt ra câu hỏi vì sao người dùng trên Facebook hành động như thế? Và tôi chắc rằng phần đông chúng ta chỉ dùng theo cảm tính, có thì cứ sử dụng thôi mà chưa thử 1 lần nhìn theo góc độ của người chưa biết gì để biết được rằng vì sao người ta lại nên dùng Facebook, nó thuận tiện ở chỗ nào và nhờ đâu mà một Fanpage kết nối được với người dùng của mình?
Câu trả lời đó chính là sự tương tác – là hành động phản hồi ngay lập tức về một vấn đề gì đó khi nó được đưa ra và giữa các bên tham gia sẽ được biết về phản hồi đó 1 cách liên tục để họ có thể tiếp tục phản hồi hay kết thúc 1 vấn đề chuyển sang cái mới. Đó mà điều rất nhiều mạng xã hội trang tin khác không làm được: tôi đăng vào forum, tôi chờ bạn vào trả lời, tôi có vấn đề khác cần quan tâm ví dụ như phải nghe điện thoại, thế rồi quên đi mất, bạn trả lời trên forum không thấy tôi vào nên cuối cùng câu chuyện bỏ dở ở đó. Facebook không như vậy, dù đi trên đường bạn cũng có thể trả lời qua điện thoại, gửi hình ảnh, video cập nhật liên tục. Có chăng Yahoo có từng làm được nhưng chỉ là nhóm người theo 1 phòng chat chứ không phải là đa kênh, đa đám đông như Facebook.
Nói vui về cơ chế hoạt động này của Facebook tôi có người anh lúc là học viên, lúc là thầy của mình, lúc là bạn nhậu đã kể câu chuyện vợ giận 3 ngày liền không nói gì buồn bực quá đã nói với vợ rằng: “Tại sao 3 ngày rồi bà không tương tác với tôi, như vậy là mối liên hệ thân mật sẽ bị giảm đi bla bla”. Vậy là anh ấy bị vợ cho rằng “ông bị ngộ Facebook rồi”.
Nhưng đúng thực tế là như vậy, nếu các người dùng “giận” nhau lâu hơn, các Fanpage khiến người dùng “giận” họ nhiều hơn thì mối liên hệ giữa một trang Facebook và người chỉ còn là người dưng qua đường. Và khi đó Fanpage có hò hét khản cổ cũng hiếm có người hưởng ứng mình. Đó là lí do vì sao mà không nên mua like một cách thiếu cẩn trọng từ những nguồn bất minh, rất khó để xây dựng mối liên hệ vững chắc với người dùng của bạn trong trường hợp đó.
Từ cơ chế hoạt động sắp xếp ưu tiên dựa trên tương tác đó mà Facebook chia ra các nguồn cấp tin khác nhau, mỗi nguồn có một ưu nhược điểm riêng và cần phải cân nhắc nguồn lực thời điểm mà chọn kênh – nguồn cấp tin triển khai.
Các kênh trên Facebook liệt kê sẽ bao gồm: User (người dùng) / Fanpage (Trang) / Group (nhóm)
Cách hoạt động truyền tải của các kênh có thể tóm tắt qua sơ đồ sau:
mo-hinh-truyen-tin-facebook
 Sự khác nhau giữa các kênh có thể tóm tắt qua những gạch đầu dòng sau:
Profile: không tạo được offer, không quảng cáo, không có thống kê số liệu chi tiết như Fanpage, 1 người sử dụng trong 1 thời điểm.
Group: Tạo sự kiện mời hàng loạt, chat all member (với số thành viên ít), không quảng cáo – Có thể ghim bài nhưng không thống kê (lớn), quản trị trong group ngang quyền.
Fanpage: Tạo được tất cả kiểu nội dung, có thống kê chi tiết, quản trị phân quyền và quảng cáo ( không tương tác chủ động như cá nhân, sự kiện, tin nhắn không mời tất cả như group)
 II. Facebook Marketing không đơn thuần là quảng cáo mà còn là nhiều vấn đề quan trọng không kém.
Có rất nhiều bên ca tụng Facebook Marketing là một thứ thần dược giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn, thậm chí nhiều người vẫn nghĩ rằng hành động Boots Post – quảng cáo bài viết, mua like là Facebook Marketing. 
Sự thực không phải vậy, không phải cứ bán hàng quảng cáo trên Facebook là thành Facebook Marketing. có những công dụng nhỏ của Facebook giúp cho tuyển dụng, tìm kiếm đối tác, thử nghiệm sản phẩm, nghiên cứu thị trường dễ dàng hơn nhưng ít người thử tới. Khái niệm sau tôi đưa ra sẽ giải thích cho điều trên.
Định nghĩa Facebook Marketing


Như vậy ngoài quảng cáo sẽ còn có những vấn đề quan trọng không kém mà các sếp cần phải quan tâm ở phần tiếp theo dưới đây.

III. Những gì sẽ làm khi triển khai Facebook Marketing.

Không chỉ đơn thuần là quảng cáo, câu like nếu muốn đo lường phân tích chính xác hơn thì bất kì doanh nghiệp nào cũng nên tồn tại 4 chiến lược sau cho kênh Facebook của mình:
chien-luoc-phattrien-facebook-marketing

Chiến lược cạnh tranh xác định sản phẩm/ dịch vụ/ tin tức quyết định bạn sẽ đưa lên Facebook những mặt hàng hóa, tin tức nào vào thời điểm nào.
Chiến lược nội dung sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng sâu hơn – kết nối thường xuyên hơn thay vì lúc nào cũng bán hàng khiến người dùng chán unlike Fanpage của bạn.
Chiến lược quảng cáo giúp bạn tận dụng tới từng đồng tiền bạn bỏ ra sẽ đảm bảo cho bạn thống kê tốt nhất.
Chiến lược xây dựng đối tác, hệ thống vệ tinh sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền quảng cáo và kết nối với người dùng sâu nhất có thể mọi lúc mọi nơi, để lần xuất hiện tiếp theo của bạn người dùng sẽ ủng hộ cho sản phẩm, tin tức bạn đăng tải trên Facebook.
Cụ thể hơn cho 1 Fanpage thì nên kiểm tra lại theo quy trình phát triển đã thực hiện đầy đủ chưa:
  1.  Tên Fanpage – định vị trên Facebook. Mô tả sơ lược đối tượng của mình.
  2. Từ khóa nội dung của Fanpage
  3. Danh sách các nơi tập trung đối tượng của bạn (Fanpage – Group – Event – Website nào?)
  4. Nghiên cứu phân tích đối tượng thông qua Insight Fanpage – Audience Insight – Hành vi ưa thích của họ là gì?
  5. Tuyển dụng đào tạo nhân sự triển khai
  6. Kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn
  7. Kế hoạch quảng cáo chi tiết
  8. Chăm sóc lại người dùng trên Facebook
  9. Lan tỏa hơn nữa Fanpage / Thương hiệu công ty
  10. Đo lường sau mỗi bước.
Chi tiết hơn có thể tham khảo quyển Facebook Marketing từ A-Z có nói rất rõ về vấn đề này.
IV. Quản trị tài sản của mình trên Facebook.
Khi mọi người đã gây dựng 1 cơ ngơi lớn của mình trên Facebook rồi thì việc phải làm tiếp theo đó là bảo vệ những tài sản của mình trên Facebook tránh bị cướp quyền quản lý. Nếu không mọi công sức bạn gây dựng sẽ là đổ sông đổ bể. Thử tưởng tượng một ngày bạn vào Facebook thấy không đăng nhập được nick cá nhân, Fanpage của bạn thì đang đăng những thông tin sai lệch nghiêm trọng chẳng hạn tặng sản phẩm, dịch vụ của bạn miễn phí. Khi đó hậu quả khó mà lường trước được, khủng hoảng trực tuyến sẽ kéo theo thiệt hại thực tế là vô cùng nặng nề.
Có 4 thứ mà các sếp cần phải biết và có giải pháp cụ thể với khối tài sản của công ty trên Facebook:
  1. Bảo mật nick cá nhân của mình
  2. Bảo mật Fanpage và hệ thống Fanpage
  3. Bảo mật dữ liệu quảng cáo, thông tin những người dùng đã tương tác với trang của bạn.
  4. Phương án phòng ngừa “nếu điều đó xảy ra” là gì?
1 và 2 xin mời tham khảo bài: Bảo mật Nick, Fanpage của bạn, 3 bạn có thể tham khảo cách ẩn quảng cáochống bị cướp khách hàng tôi đã chia sẻ. Thêm vào đó hãy yêu cầu được chạy quảng cáo trên chính tài khoản của bạn hoặc tài khoản của một người uy tín mà bạn tin tưởng có thể quản lý dữ liệu thay bạn. Còn phòng ngừa thì hãy tìm cách thiết lập mối quan hệ với đội ngũ support của Facebook hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi. Rất nhiều bên hợp tác với tôi sau khi kết thúc vẫn để tôi quyền quảng cáo, biên tập viên của Trang như một sự cảm ơn đồng thời trách nhiệm của tôi cũng là “cố vấn” giải quyết các sự cố cho họ. Một số bên điển hình khóa Fanpage hơn 1 năm may mắn thế nào tôi vẫn mở ra được, với tôi Fanpage cùng nhau chúng ta xây dựng nó như đứa con tinh thần vậy, tôi luôn theo dõi nó chứ không như những bên khác kết thúc là hết trách nhiệm và mặc kệ những vấn đề sau đó.
V. Hiểu được báo cáo của Facebook.
Là sếp bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người thực hiện cho bạn phải xuất cho bạn: báo cáo kết quả quảng cáo bao gồm các thông số, ý nghĩa của các thông số và công việc tiếp theo bạn phải thực hiện là gì. Chi tiết hơn có lẽ tôi sẽ để sang một bài khác nhưng lưu ý nhất đó là: Chi phí quảng cáo phải chính xác đúng theo thời điểm, giá thành phải so sánh được với mặt bằng chung của ngành, các đơn vị khác, với cùng kì thời gian trước, tháng trước của bạn.
Kết lại: Có thể sếp thì bận rộn điều này ai cũng biết. Nhưng thử tự hỏi tại sao cùng mặt hàng có bên triển khai Facebook Marketing rất tốt còn có bên thì không. Điều này không phải tại cái anh #4 mọi người vẫn chửi, không phải tại Facebook mà tại ai thì bản thân chúng ta tự biết rõ. Một lần nữa tôi nhắc lại những gì in đậm ở trên là thực sự cần thiết sống còn nếu mọi người muốn ít nhất biết lý do vì sao mình không nên triển khai Facebook Marketing nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét